|
Một nạn nhân Pakistan bị thương trong cuộc không kích của Mỹ. Ảnh: AFP |
Quan hệ giữa Mỹ và Pakistan đang hết sức căng thẳng sau khi Lầu Năm Góc thừa nhận thực hiện cuộc không kích làm 11 binh sĩ Pakistan thiệt mạng ở Kunar, khu vực giáp giới Afghanistan, hôm 11-6. Mặc dù quân đội Mỹ nói rằng mục tiêu của họ là các phần tử nổi dậy, nhưng điều đó không giúp cho quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, vốn không “êm ấm” thời gian gần đây do Washington cáo buộc Islamabad dung túng khủng bố, tránh được nguy cơ đổ vỡ.
Cuộc không kích diễn ra sau vụ đọ súng giữa các lực lượng Afghanistan và Pakistan tại khu vực tranh chấp giữa hai nước được gọi là giới tuyến Durand. Theo quân đội Pakistan, binh sĩ Afghanistan sau đó rút lui và bị các tay súng Taliban tấn công bên trong lãnh thổ nước này. Do đó, quân đội Afghanistan yêu cầu không lực Mỹ hỗ trợ. Tuy nhiên, máy bay Mỹ tiếp viện lại ném bom vào trạm kiểm soát biên giới bên trong lãnh thổ Pakistan làm Quân đoàn Biên giới (FC), đơn vị bán quân sự, tổn thất 11 binh sĩ và 13 người khác bị thương. Trớ trêu là FC do chính quân đội Mỹ huấn luyện ở Pakistan để làm “lực lượng đặc nhiệm” chống nổi dậy.
Chính phủ Pakistan cáo buộc cuộc không kích này là “hoàn toàn vô cớ và hèn nhát”. Thủ tướng Yousuf Raza Gilani lập tức triệu tập Đại sứ Mỹ tại Islamabad Anne Patterson để chính thức phản đối hành động trên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gonzalo Gallegos cho rằng Washington lấy làm tiếc về thiệt hại của Pakistan, nhưng quân đội Mỹ có quyền hành động như vậy để tự vệ trước các hành động thù địch. Trước đây, nhiều vụ tấn công tương tự từng xảy ra nhưng được hai bên xí xóa như “sự hiểu lầm” do không gây nhiều thiệt hại như lần này.
Thời gian gần đây, sự hoài nghi của Washington đối với đồng minh Nam Á này ngày càng tăng. Nhà Trắng liên tục chỉ trích việc chính phủ mới ở Pakistan đàm phán hòa bình với lực lượng nổi dậy thân Taliban ở khu vực biên giới giáp Afghanistan. Hiện Pakistan có hơn 80.000 quân ở khu vực này để chống mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và Taliban. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho rằng một số chỉ huy quân đội Pakistan ở đây lại chuyển sang ủng hộ Taliban, vốn là đồng minh cũ thời quân đội Liên Xô còn ở Afghanistan. Tuần rồi, RAND, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, công bố báo cáo cho rằng nhân viên tình báo và các binh sĩ FC đang trợ giúp tàn quân Taliban và trao cho chúng thông tin về các cuộc hành quân của quân đội Mỹ ở Afghanistan. RAND cảnh báo quân đội Mỹ sẽ đối mặt với “những hậu quả nặng nề và lâu dài” ở Afghanistan nếu nơi ẩn náu của Taliban ở Pakistan không bị phá vỡ.
Cuộc “hôn phối” giữa Mỹ và Pakistan sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 xem ra khó có thể kéo dài được nữa.
N.MINH (Theo AFP, Guardian, France24, AP)