Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật buộc Lầu Năm Góc phải ngừng ngay việc đặt mua động cơ tên lửa của Nga được dùng từ năm 2000 để giúp phóng các vệ tinh tình báo và quân sự của Mỹ vào không gian. Tuy nhiên, hành động trừng phạt tưởng chừng như đơn giản này hiện đang được yêu cầu dỡ bỏ.
Chỉ 5 tháng sau khi lệnh cấm trở thành luật, Lầu Năm Góc đang thúc giục Quốc hội nới lỏng nó. Cơ quan này cho biết các động cơ tên lửa của Mát-xcơ-va sẽ rất cần thiết ít nhất trong một vài năm tới nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận không gian của hệ thống thông tin tình báo và quốc phòng tinh vi của đất nước. Động thái này đã nhận được không ít phản đối tại Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng NPO Energomash, công ty chế tạo tên lửa có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin, đã bỏ túi khoảng 300 triệu USD từ việc bán động cơ tên lửa và đây là thời điểm cần chấm dứt hợp tác với họ.

Tên lửa đẩy Atlas V của ULA. Ảnh: NYT
Theo Thời báo New York của Mỹ, lệnh cấm chỉ áp dụng đối với các sứ mệnh an ninh quốc gia nhưng yêu cầu của Lầu Năm Góc đã vô tình chống lại những người từng lên tiếng kêu gọi kết thúc sự phụ thuộc của Mỹ vào Nga ngay tại thời điểm mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ Chiến tranh Lạnh. "Tôi không biết vai trò của Lầu Năm Góc là gì, có vẻ như họ và chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cố xoa dịu Tổng thống Putin. Anh có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đua không gian mà sử dụng toàn tên lửa của Nga?" - nghị sĩ đảng Cộng hòa Duncan Hunter bức xúc nói.
Dẫu vậy, Lầu Năm Góc cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Giám đốc Tình báo Quốc gia và hai trong số các nhà thầu quốc phòng có ảnh hưởng nhất là Lockheed Martin và Boeing. Trong một bức thư gửi đến các nhà lập pháp cấp cao hôm 11-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper Jr cho biết Lầu Năm Góc sẽ phải đối mặt với "những thách thức đáng kể" trong việc đảm bảo cho việc tiếp cận không gian của các sứ mệnh tình báo và quân sự tinh vi nhất nếu lệnh cấm đối với các động cơ tên lửa của Nga chưa được dỡ bỏ.
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc ngưng đặt mua động cơ tên lửa của Nga theo yêu cầu của dự luật có thể khiến cho lực lượng Không quân thiếu một công cụ hữu hiệu cho việc phóng tên lửa đẩy Atlas sau năm 2018. "Kết thúc sự phụ thuộc vào động cơ tên lửa của Nga không đơn giản như mọi người nghĩ. Việc thiếu đầu tư, thiếu một tầm nhìn rõ ràng và tình trạng quan liêu đã làm chậm sự đổi mới của các giải pháp thay thế trong nhiều năm qua" ông David Deptula, cựu chỉ huy cơ quan tình báo Không quân Mỹ, nói.
Tờ New York Times cho biết, khi thông qua đạo luật ủy quyền quốc phòng thường niên trước đây, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một nghị quyết có thể nới lỏng lệnh cấm đối với động cơ tên lửa của Nga. Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ sau đó đã đề xuất một thỏa hiệp cho phép công ty sử dụng tên lửa của Nga gọi là United Launch Alliance (ULA), một công ty liên doanh của Lockheed Martin và Boeing, tiếp tục đấu thầu mua động cơ tên lửa từ Nga ít nhất đến hết thập kỷ này.
TRÍ VĂN (Theo NYT)