21/04/2012 - 08:16

Lân Thạnh 1 đi lên…

Khu vực Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc khánh thành cây cầu rạch Ông Bụp.

Khu vực Lân Thạnh 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt được công nhận là “Khu vực văn hóa” từ năm 1997. 15 năm qua, Lân Thạnh 1 đã có nhiều đổi thay, nhà cửa khang trang hơn, cầu đường được nâng cấp mở rộng hơn, nhiều hộ thoát nghèo... Phía sau những đổi thay đó là những câu chuyện nồng ấm tình người trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Diện tích lớn và dân số quá đông nên Lân Thạnh được chia tách thành 2 khu vực: Lân Thạnh 1 và Lân Thạnh 2. Theo đà phát triển, khu vực Lân Thạnh 1 có nhiều thay đổi nhưng có một thứ ngày càng đậm đà hơn: tình nghĩa xóm giềng. Bà con Lân Thạnh 1 tự hào: “Chúng tôi sống với nhau rất có tình, có nghĩa. Nhà nào gặp khó khăn, hoạn nạn, mọi người đều chung tay chia sẻ, giúp đỡ không nề hà. Tình xóm giềng rất chan hòa, đầm ấm...”.

Hằng tháng, người dân Lân Thạnh 1 tham gia đóng góp gạo, tiền để tổ từ thiện của khu vực giúp đỡ cho những hộ nghèo tại địa phương và hỗ trợ chương trình nấu cơm từ thiện tại các bệnh viện trong thành phố. Hiện nay, có 4 hộ nghèo được tổ từ thiện hỗ trợ hằng tháng, mỗi hộ 10 kg gạo và 100.000 đồng. Tết cổ truyền hay các ngày rằm lớn, các hộ nghèo, hộ khó khăn còn được nhận quà, gạo do các mạnh thường quân hỗ trợ. Chi hội người cao tuổi ở địa phương xây dựng quỹ để hỗ trợ hội viên mỗi khi đau ốm, qua đời. Công tác khuyến học, khuyến tài cũng trở thành nề nếp ở địa phương. Ông Trần Văn Tường, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Tân Lộc, cũng là dân cố cựu ở khu vực Lân Thạnh 1, cho biết: “Mỗi năm, bà con Lân Thạnh 1 đóng góp trên 10 triệu đồng cho công tác khuyến học. Nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong khu vực được tặng tập vở, quần áo, học bổng để tiếp tục đến trường”.

Là một địa phương thuần nông, phần lớn người dân Lân Thạnh 1 sống dựa vào ruộng, vườn, chăn nuôi nên vẫn còn gần 10% hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu so với những năm trước, số hộ nghèo đã giảm đáng kể. Như năm 2011, khu vực có 123 hộ nghèo, năm nay chỉ còn 93 hộ. Các đoàn thể khu vực đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ người dân: tạo điều kiện cho bà con vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội để có vốn làm ăn, giới thiệu việc làm, thành lập tổ kéo cá với gần 20 thành viên giúp họ có công việc ổn định, Chi hội Cựu chiến binh góp vốn xoay vòng giúp các hội viên giải quyết khó khăn...

Nhưng sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu sự nỗ lực vượt khó của các hộ dân. Điển hình như anh Trần Ngọc Suôl: gần 20 năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Suôl lập gia đình và ra riêng với 3 công ruộng. Vợ chồng làm đầu tắt mặt tối vẫn không khá lên được nên anh bán ruộng, bán vàng cưới, vay Ngân hàng chính sách xã hội được 5 triệu đồng rồi mở tiệm bán gạo. Cứ sau một năm, anh trả nợ ngân hàng để vay vốn mới, cộng với tiền lời từ buôn bán... rồi anh mở rộng dần qui mô: bán thêm cám, tấm, rồi bán luôn thức ăn gia súc, bột mì... Giờ đây, cửa hàng của vợ chồng anh Suôl là một trong những cửa hàng qui mô lớn ở phường Tân Lộc. Làm ăn khấm khá, anh Suôl tích cực đóng góp cho các hoạt động xã hội của địa phương, đồng thời giúp đỡ những hộ khác trong việc kinh doanh, buôn bán.

Kinh tế khá lên thể hiện ngay ở bề nổi: nhà cửa của bà con ngày càng khang trang hơn, nhiều nhà lầu, nhà tường kiên cố mọc lên thay cho những căn nhà cũ. Đặc biệt, những hộ nghèo, hộ khó khăn giờ cũng có được căn nhà tươm tất để “an cư lạc nghiệp”. Theo ông Đoàn Nhật Cường, Trưởng Khu vực Lân Thạnh 1, hằng năm, một số hộ nghèo của khu vực được Nhà nước xây tặng Nhà đại đoàn kết. Những hộ khó khăn về nhà ở chưa được xét cấp Nhà đại đoàn kết thì được bà con đóng góp tiền của, công sức để làm nhà tình thương để các hộ đó không phải chịu cảnh nhà dột, cột xiêu. Mỗi năm, có từ 2- 3 hộ được cất nhà tình thương, mỗi căn trị giá từ 12- 15 triệu đồng.

Nhắc đến việc xây nhà tình thương, phải kể đến Tổ xây dựng chuyên xây nhà tình thương và làm cầu, đường cho địa phương mà không lấy thù lao. Tổ xây dựng do ông Đoàn Văn Bạn thành lập từ năm 2009, gồm 10 thành viên, với những người cốt cán là ông Nguyễn Văn Truyền, Nguyễn Văn Nghiêm, Trần Văn Dồi, Trần Cẩm Bào... Ông Đoàn Văn Bạn đã đầu tư khoảng 20 triệu đồng để mua máy trộn hồ, máy duỗi sắt, máy bơm nước, mua cây, gỗ... Từ lúc thành lập đến nay, tổ đã xây được 4 cây cầu, 2 cống, mở rộng 2 km đường và nhiều căn nhà tình thương.

Ngày 9-4 vừa qua, nhân dân khu vực Lân Thạnh 1 vừa vui mừng khánh thành cây cầu rạch ông Bụp. Cây cầu có chiều ngang 3 m, dài 21 m này được Tổ xây dựng của ông Bạn và bà con cùng nhau góp công xây dựng trong thời gian 1,5 tháng, với kinh phí gần 78 triệu đồng, trong đó, UBND phường hỗ trợ 100 bao xi măng, còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Lê Chí Dũng, Bí thư Chi bộ khu vực Lân Thạnh 1, phấn khởi nói: “Việc xây dựng, nâng cấp cầu, đường luôn được bà con đồng lòng thực hiện. Hiện nay, toàn bộ đường trong khu vực đã được bê tông 100%. Một số tuyến đường nhỏ, hẹp được nhân dân góp công, góp của mở rộng để việc đi lại thuận tiện hơn”.

Trong ngày thông xe cầu rạch ông Bụp, bà con được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, múa lân “cây nhà lá vườn” khiến không khí thêm vui tươi, ấm áp. Tiết mục múa lân hoàn toàn được thực hiện bởi những chú lân nhí của câu lạc bộ (CLB) múa lân thiếu nhi khu vực Lân Thạnh do ông Lê Ngọc Điệp thành lập từ năm 2009. Đội có 18 thành viên từ 11- 14 tuổi. Ông Điệp mua sắm, đầu tư vật dụng cho đội, tập luyện cho các em và thỉnh thoảng, mời những người có kinh nghiệm về hướng dẫn thêm cho đội. Tiền bồi dưỡng kiếm được sau khi biểu diễn, ông Điệp chia đều cho các thành viên. Nhờ có đội lân, các em không bỏ học rong chơi, không mê game nữa.

Lân Thạnh 1 còn có CLB Đờn ca tài tử, CLB bóng chuyền, bóng đá, CLB dưỡng sinh... tạo nên những sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi, giúp đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú bên cạnh đời sống kinh tế ngày một đi lên

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết