14/03/2009 - 09:16

Lại "nắn gân" nhau!

Trong các buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ song phương để tập trung vực dậy nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Tuy nhiên, đằng sau những lời tuyên bố nhẹ nhàng dường như là những hành động ngược lại khiến giới quan sát đau đầu suy đoán...

 Bà Hillary và ông Dương Khiết Trì gặp nhau tại Washington ngày 11-3. Ảnh: AFP

Theo tờ Guardian của Anh, ông Obama vừa quyết định đưa tàu khu trục USS Chung-Hoon có trang bị ngư lôi và tên lửa tới vùng hải phận quốc tế trên Biển Đông để thực hiện sứ mạng hộ tống “tàu thăm dò hải quân” USNS Impeccable, sau khi USNS Impeccable bị các tàu Trung Quốc “quấy nhiễu một cách không thích hợp” hồi cuối tuần rồi. Hành động này rõ ràng là muốn khẳng định USNS Impeccable sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình, bất chấp việc Trung Quốc đòi Mỹ chấm dứt các hoạt động mà Bắc Kinh cho là bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của họ. Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết USS Chung-Hoon hiện đóng tại căn cứ hải quân ở đảo Hawaii với thủy thủ đoàn khoảng 275 người. Theo các nhà quan sát, sự hiện diện của USS Chung-Hoon ở khu vực gần đảo Hải Nam có thể tiềm ẩn một cuộc xung đột khó lường. Đối với Trung Quốc, khu vực gần đảo Hải Nam đặc biệt nhạy cảm vì là nơi đặt căn cứ tàu ngầm của nước này.

Song song với vấn đề trên, thông cáo của Nhà Trắng ngày 12-3 cũng nêu rõ Tổng thống Obama xem việc thúc đẩy nhân quyền là một bộ phận cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và vì lẽ đó, Washington hy vọng sẽ có sự tiến triển trong quá trình đối thoại giữa chính phủ Trung Quốc và thủ lĩnh ly khai Dalai Lama ở Tây Tạng. Thông cáo của Nhà Trắng được đưa ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết kêu gọi Trung Quốc “ngưng đàn áp và nới lỏng ngay lập tức các chính sách hà khắc áp đặt đối với người Tây Tạng”. Theo hãng tin Pháp AFP, nghị quyết mang động cơ chính trị của Hạ viện Mỹ đang gây khó chịu cho Bắc Kinh và việc Nhà Trắng gán ghép Tây Tạng như là vấn đề nhân quyền bị Trung Quốc coi là hành động can thiệp vấn đề nội bộ không thể chấp nhận.

Theo các nhà phân tích, lãnh đạo Trung- Mỹ đều không muốn để quan hệ chính trị- quân sự giữa hai nước xấu đi và gây bất lợi cho nỗ lực khôi phục kinh tế- thương mại. Tuy nhiên, do Bắc Kinh đã cố ý “nắn gân” chính quyền Obama xung quanh vụ khiêu khích USS Impeccable nên Washington buộc phải đáp trả bằng cách gởi tàu chiến tới Biển Đông và “nhắc nhở” tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng những động thái gần đây của Mỹ có lẽ cũng là nhằm mục đích “nắn gân” trả đũa Trung Quốc trước cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn vào đầu tháng 4 tới.

KIẾN HÒA (Theo WP, AFP, The times)

Chia sẻ bài viết