17/11/2009 - 09:49

Kosovo - Thấy gì sau một năm tuyên bố độc lập?

 Thủ tướng Thaci đi bỏ phiếu. Ảnh: AFP

Hôm qua 16-11, liên minh cầm quyền ở Kosovo đã tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử đầu tiên ở nước này kể từ khi tuyên bố độc lập tháng 2 năm ngoái. Thủ tướng Hashim Thaci thông báo đảng Dân chủ Kosovo (PDK) của ông “thắng thuyết phục” ở 20 trong số 36 hội đồng địa phương diễn ra bầu cử ngày 15-11. Trong khi đó, Liên đoàn Dân chủ Kosovo (LDK) của Tổng thống Fatmir Sejdiu, đối tác quan trọng trong liên minh cầm quyền, cũng tuyên bố “thắng lợi tuyệt đối” ở thủ phủ Pristina.

Trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, chính quyền Kosovo cam kết đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra công bằng và tự do với cả người Albanie và người Serbia cùng tham gia. Hơn 5.000 cảnh sát tuần tra trong cuộc bầu cử do quan chức Kosovo tự tổ chức. Tổng thống Sejdiu cho rằng cuộc bầu cử là “minh chứng Kosovo ổn định góp phần cho hòa bình khu vực”. Các cuộc bầu cử trước đây ở Kosovo do Liên Hiệp Quốc điều hành, thế nên Kosovo xem đây là cuộc kiểm tra quan trọng về khả năng tự thiết lập chủ quyền đầy đủ và tăng thêm sự thừa nhận quốc tế. Tuần trước, New Zealand trở thành quốc gia thứ 63 công nhận nền độc lập của Kosovo.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng 10 năm sau cuộc không kích của NATO nhằm ngăn chặn các lực lượng Serbia tấn công người Albanie, sự hòa hợp giữa 2 cộng đồng Albanie và Serbia ở khu vực này vẫn rất chậm. Serbia với sự hậu thuẫn của Nga, đã ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ thông qua bất kỳ nghị quyết nào về nhà nước Kosovo. Hiện có khoảng 120.000 người Serbia sống ở Kosovo, họ vẫn bác bỏ tuyên bố độc lập và giữ mối liên hệ chặt chẽ với Serbia, nhận hỗ trợ tài chính và chính trị từ chính quyền Belgrade. Lần này, người Serbia ở khu vực miền Nam có đi bỏ phiếu nhiều hơn các cuộc bầu cử trước đây do cảm thấy ít được Belgrade hỗ trợ, nhưng người Serbia ở miền Bắc vẫn tẩy chay. Bên cạnh đó, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp (45% trong số 1,5 triệu cử tri đăng ký) phản ánh sự thất vọng của người dân Kosovo đối với giới lãnh đạo. Họ cho rằng chính quyền đã thất bại trong nỗ lực cải thiện kinh tế của một trong những nước nghèo nhất châu Âu.

Có thể nói, Kosovo tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, tham nhũng trầm trọng, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Theo Halil Matoshi, nhà phân tích chính trị Kosovo, rất ít người lạc quan về khả năng những ứng viên thắng cử lần này có thể thay đổi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40% hiện nay và tạo ra việc làm cho 30.000 thanh niên tới tuổi lao động mỗi năm. Nhiều người trong số họ đã rời khỏi Kosovo để tìm việc ở nước ngoài. Do đó, sự quan tâm hàng đầu của cử tri hiện nay không còn là vấn đề độc lập mà là việc làm.

N. MINH (Theo BBC, Reuters, FT)

Chia sẻ bài viết