20/04/2014 - 14:35

Kịch bản Crimea khó lặp lại tại Đông Ukraina

Bản đồ các tỉnh miền Đông Ukraina. Ảnh: AFP

Những diễn biến căng thẳng tại miền Đông Ukraina thời gian qua đã làm dấy lên mối lo ngại trong dư luận phương Tây rằng kịch bản Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga rất có thể sẽ lặp lại ở khu vực này. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận định điều đó ít có khả năng xảy ra bởi nhiều khác biệt cơ bản giữa bán đảo Crimea nghèo khó và vùng công nghiệp phát triển.

Chuyên gia Susan Stewart ở Viện Chính trị và An ninh Quốc tế Đức (SWP) phân tích rằng bán đảo Crimea và miền Đông Ukraina có nhiều điểm rất khác biệt hơn là giống nhau, và trên nhiều phương diện thì Crimea là "trường hợp đặc biệt". Đơn cử như hơn 80% người dân Crimea coi tiếng Nga là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Trong khi đó, số liệu thống kê dân số năm 2001 cho thấy người gốc Nga không chiếm đa số tại bất kỳ vùng nào khác ở Ukraina và hầu hết người dân sống tại miền Đông và Nam nước này đều có gốc Ukraina. Tại thành phố Kharkiv chỉ có 26% dân số nhận mình là người Nga và tại Donetsk là 38%.

Cũng đồng nhất với ý kiến của Stewart, chuyên gia xã hội học Ba Lan Joanna Fomina đã chỉ ra những đặc điểm khác nhau đáng kể giữa Crimea và miền Đông Ukraina. Điển hình như khác với người dân Crimea, công dân Ukraina ở miền Đông có chủ hướng hòa nhập mạnh mẽ và thống nhất đất nước hơn. Bà Fomina dẫn chứng tài liệu từ các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng mong muốn có mối liên hệ kinh tế gần gũi hơn với Mát-xcơ-va của người dân miền Đông không đồng nghĩa với việc họ muốn ly khai khỏi Ukraina và được sáp nhập vào Nga. Tại miền Đông và Nam Ukraina, tỷ lệ ủng hộ ly khai khỏi đất nước chỉ khoảng 11-13%, còn thấp hơn cả số người gốc Nga sinh sống tại đây.

Còn theo tờ Le Monde (Pháp), miền Đông Ukraina cũng có tầm quan trọng vượt xa hơn Crimea nếu xét về mặt kinh tế. Với 2 triệu dân, Crimea sống chủ yếu dựa vào du lịch và hoạt động hàng hải của thành phố tự trị Sebastopol. Trong khi đó, miền Đông giàu tài nguyên thiên nhiên, có ngành công nghiệp phát triển từ cuối thế kỷ 18, hiện cung cấp khoảng 20% sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của Ukraina. Tính riêng Cộng hòa Donetsk tự xưng đóng góp đến 27,4% GDP của Ukraina.

Về phần mình, Nga có thể không muốn sáp nhập miền Đông của Ukraina mà một nguyên nhân khách quan là do đặc điểm địa lý và dân số ở khu vực này gây khó hơn so với Crimea. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có một mục đích vừa phải hơn. Đó là buộc Kiev và những nước phương Tây "chống lưng" phải chấp nhận một hiến pháp mới đảm bảo quyền tự chủ nhiều hơn cho các khu vực miền Đông nhằm giúp ngăn chặn việc Ukraina tách khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, cựu đại sứ Anh tại Nga Tony Brenton quả quyết: "Tôi tin chắc người Nga không có ý định tương tự như ở miền Đông Ukraina. Bởi đây là khu vực hoàn toàn khác biệt dựa trên lịch sử lẫn thực địa". Ông cho rằng mục tiêu trước mắt của Nga là tìm cách can thiệp để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ở Ukaina vào ngày 25-5 tới.

S. NHI (Theo DW, Reuters, Le Monde)

Mỹ lại dọa dẫm Nga

Các tay súng được cho thân Nga tại miền Đông Ukraina hôm 18-4. Ảnh: AP

Sau hội nghị bốn bên về vấn đề Ukraina, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập đến những đòn trừng phạt mới cứng rắn hơn chống Nga nếu như tình hình an ninh Ukraina không được cải thiện thông qua các biện pháp vừa đạt được tại Gèneve. Ông Peskov cho rằng sự răn đe này là "hoàn toàn không chấp nhận được", đồng thời cáo buộc Nhà Trắng đối xử với Mát-xcơ-va như là "một học sinh".

Trước đó, ông chủ Nhà Trắng nói rằng thỏa thuận tạm thời giữa Nga, Ukraina và các nước phương Tây về việc giảm căng thẳng tại miền Đông Ukraina là có tính hứa hẹn, nhưng Washington và đồng minh đã chuẩn bị thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu như tình hình Ukraina không tiến triển. Ngoài ra, ông Obama đinh ninh rằng Nga thật sự chưa rút quân tại các khu vực biên giới giáp Ukraina.

Trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov sau hội nghị trên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nhấn mạnh "tất cả nhóm vũ trang bất hợp pháp cần phải được tước bỏ vũ khí và các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép cần phải được trao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp". Ông cảnh báo tình hình ở Ukraina đang bước vào giai đoạn "sinh tử" và đòi hỏi Nga phải có hành cụ thể trong vài ngày tới. Phát biểu của ông Kerry mang hàm ý Nga đang hậu thuẫn và phải có trách nhiệm đối với các nhóm vũ trang bất hợp pháp tại các tỉnh miền Đông Ukraina, điều mà Nga bác bỏ.

Dù bị Mỹ liên tục gây sức ép, Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình được phát sóng chiều 19-4 đã nhẹ nhàng rằng "không có gì có thể cản trở mối quan hệ hợp tác bình thường giữa Nga và phương Tây". Ông cũng hoan nghênh cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg sắp đảm nhiệm chức Tổng thư ký NATO.

P. NGHI (Theo Reuters, AFP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết