11/04/2025 - 21:14

Khó đoán bàn cờ địa chính trị Tây Á 

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc đàm phán để tránh xung đột tại Syria khi hai đối thủ trong khu vực này mở rộng ảnh hưởng và sự hiện diện quân sự bên trong quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Xe tăng Israel tiến vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan. Ảnh: Getty Images

Hôm 10-4, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ thông báo vòng đàm phán “giảm xung đột” đầu tiên đã được tổ chức tại Azerbaijan vào ngày 9-4 với sự tham dự của các quan chức an ninh cấp cao hai nước.

 

Tranh giành ảnh hưởng

“Đây là cuộc gặp cấp kỹ thuật đầu tiên để thiết lập một cơ chế giảm leo thang nhằm ngăn chặn các sự cố không mong muốn ở Syria”, một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xác nhận hai bên đã “đồng ý tiếp tục con đường đối thoại để duy trì sự ổn định an ninh”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cảnh báo rằng cuộc tiếp xúc cấp kỹ thuật với Israel chỉ để tránh xung đột ở Syria và không nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ song phương.

Cuộc gặp trên diễn ra vài ngày trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ​​của tân Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa, nhằm thảo luận về an ninh và hợp tác quân sự.

Cuối năm ngoái, một liên minh phiến quân Hồi giáo, do ông Sharaa lãnh đạo và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chấm dứt 13 năm nội chiến. Các đồng minh thân cận của ông Assad là Nga và Iran cũng rút quân. Điều này tạo ra khoảng trống quyền lực, khiến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ tranh giành ảnh hưởng. Cuộc cạnh tranh càng làm gia tăng bất ổn ở Syria khi chính phủ mới đang chật vật lèo lái đất nước thời hậu chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã chiếm đóng một số khu vực ở miền Bắc Syria với mục đích hỗ trợ phe đối lập chống chính quyền Assad và phiến quân người Kurd. Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đề nghị đào tạo một quân đội Syria mới, nâng cấp các căn cứ và sân bay của quân đội Syria, mặc dù Damascus không công khai chấp nhận đề xuất này.

Sau khi chính quyền Assad sụp đổ, Israel đã đưa quân vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan, giành quyền kiểm soát một số khu vực ở miền Nam Syria và thực hiện hàng trăm cuộc không kích nhằm vào các tài sản quân sự của quốc gia láng giềng. Động thái này đặt Israel vào một cuộc xung đột tiềm tàng với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 10-4, trợ lý Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Khaled Khiari cho biết hàng trăm cuộc không kích của Israel đã diễn ra trên khắp Syria kể từ khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hồi tháng 12-2024. Ông cảnh báo các cuộc không kích của Israel nhằm vào Syria đang đe dọa tiến trình chuyển đổi chính trị mong manh và xói mòn các nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định của quốc gia Trung Đông này.

Nguy cơ đối đầu

Bất chấp việc chính phủ mới ở Syria lên án các cuộc không kích và xâm nhập, Israel tuần rồi đã có hành động leo thang quân sự khi ném bom 3 căn cứ không quân của Damascus. Đáng nói, đây là những căn cứ mà lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị triển khai khí tài, bao gồm căn cứ không quân Tiyas ở Homs. Vụ tấn công đã phá hủy đường băng của Tiyas, nhà chứa máy bay và thiết bị thời Liên Xô mà quân đội Syria bỏ lại.

Một nguồn thạo tin tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ dự định bố trí binh sĩ và máy bay không người lái (UAV) do thám tại căn cứ này, kế đến là UAV tấn công và chiến đấu cơ. Tất cả nằm trong một hoạt động chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ coi sự hiện diện của các phiến quân người Kurd và phần tử tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) bên trong Syria là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ankara, do vậy rất muốn Tổng thống Sharaa củng cố quyền kiểm soát của ông. Phía Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại hành động can thiệp của Israel sẽ cản trở những nỗ lực ổn định Syria.

Hôm 9-4, Ngoại trưởng Fidan cáo buộc Israel muốn bành trướng ở Syria, đồng thời nhấn mạnh Ankara không có ý định tham gia cuộc xung đột với Tel Aviv tại quốc gia Arab này. Ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các hoạt động quân sự ở Syria, bao gồm sử dụng máy bay, vì vậy cần phải đàm phán với Israel để ngăn ngừa sự cố.

Quân đội Israel đặc biệt lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai hệ thống phòng không bởi nó sẽ làm giảm sự tự do di chuyển của các máy bay phản lực Israel trên bầu trời Syria. 

Hiện nay, thế trận nghiêng về Israel - quốc gia có sức mạnh quân sự và sự hậu thuẫn từ Mỹ - nhưng những thay đổi về địa chính trị tại Tây Á vẫn rất khó đoán.

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, FT)

Chia sẻ bài viết