25/06/2019 - 11:20

Khi U70 lên sàn catwalk 

Với bộ râu rậm rạp và mái tóc hoa râm gợn sóng, Kim Chil-doo, 65 tuổi, tự tin tập đi trình diễn (catwalk) với những người mẫu trẻ tại một học viện ở thủ đô Seoul. Ông Kim trở thành người mẫu thời trang lớn tuổi đầu tiên của Hàn Quốc vào năm ngoái, hiện thực hóa giấc mơ là được trình diễn tại Tuần lễ thời trang Seoul.

Kim Chil-doo (giữa) tự tin tập catwalk với dàn người mẫu trẻ. Ảnh: Reuters

Kim Chil-doo (giữa) tự tin tập catwalk với dàn người mẫu trẻ. Ảnh: Reuters

“Đây là những gì tôi muốn làm khi còn trẻ nhưng tôi đã phải từ bỏ giấc mơ của mình để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tôi nghĩ có lẽ rất đáng để bạn thử làm người mẫu ngay từ bây giờ. Tôi rất vui khi trở thành người mẫu lớn tuổi” - Kim giãi bày.

Tại quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới, nhiều người cao tuổi Hàn Quốc đang tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp khác thường ở tuổi xế chiều. Theo đó, nhiều người trong số họ đổ xô đến các trường đào tạo người mẫu sau thành công của ông Kim.

Trong một buổi chiều gần đây, khoảng 24 người với độ tuổi đa phần 50-60 đã tập trung tại một trung tâm phúc lợi ở Songpa, phía Đông Nam Seoul để tham gia lớp đào tạo catwalk với hy vọng giống như ông Kim trở thành ngôi sao mới nổi trên các tạp chí thời trang và quảng cáo. “Học làm người mẫu giúp tôi cảm thấy như mình được quay trở lại thời còn trẻ vậy. Ngày trước tôi không thể làm được điều này vì tôi kết hôn và sinh con khi còn rất trẻ” - You Sung-lae, 59 tuổi, người khi còn nhỏ ước mơ trở thành nữ diễn viên và người mẫu thời trang, cho biết.

Xu hướng trên diễn ra trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang dành cho người cao tuổi đang phát triển nhanh khi mà người cao niên Hàn Quốc có sức mua đáng kể. Theo Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc, thị trường người cao niên nước này đã tăng gấp 5 lần trong trong giai đoạn 2002-2010. Lotte, chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất Hàn Quốc, cho biết doanh số bán hàng dành cho khách hàng ở độ tuổi 60 của chuỗi cửa hàng này tăng trung bình 12% trong giai đoạn 2013-2018, cao hơn nhiều so với mức tăng doanh thu chung của công ty vốn ở mức từ 2-5%.

Ngoài tham gia làm người mẫu thời trang, nhiều người cao tuổi Hàn Quốc còn trở thành ngôi sao trên YouTube. Ở thị trấn nhỏ Yeongju, thợ rèn 66 tuổi Seok Noh-ki từng định đóng cửa xưởng của mình cho đến khi thiết bị nông nghiệp truyền thống Hàn Quốc gọi là “homi” của ông bắt đầu bán chạy trên các trang bán lẻ trực tuyến như Amazon và eBay sau một chiến dịch quảng cáo trên YouTube. Công cụ thủ công này hiện là một trong 10 thiết bị làm vườn bán chạy hàng đầu trên Amazon, nhận được vô số lời khen của nông dân. Doanh số bán hàng của ông Seok tăng gấp 3 lần trong khi các đơn hàng xuất khẩu tăng vọt, khiến ông phải tiếp nhận thêm nhiều công nhân, trong đó có một số người cao tuổi.

Tương tự như Seok, Ji Byung-soo, 77 tuổi, đã trở nên nổi tiếng trên YouTube sau màn trình diễn trong một cuộc thi hát trên sóng truyền hình hồi tháng 3. Màn trình diễn với những động tác vụng về nhưng lôi cuốn của Ji đã thu hút hơn 2,7 triệu lượt xem trên YouTube, giúp ông nhận được nhiều hợp đồng thương mại và kênh YouTube của ông cũng trở nên nổi tiếng hơn. Trước đây, ông sống tằn tiện nhờ tiền trợ cấp của chính phủ vốn chỉ đủ chi trả thuê nhà và mua thuốc lá.

Giới chuyên gia cho rằng các trường hợp như ông Kim,  Seok và Ji là rất đáng khích lệ bởi mang đến niềm hy vọng mới cho người già xứ sở kim chi, nơi đa phần người cao tuổi làm công nhân với mức lương bèo bọt để có thể tự chăm lo cho bản thân sau khi nghỉ hưu. Một thống kê cho thấy, gần một nửa số người cao tuổi Hàn Quốc sống trong cảnh nghèo đói - mức cao nhất trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết