12/02/2011 - 09:49

Khi bà Le Pen đắc ý

Lời nhận xét mới đây của Thủ tướng David Cameron về sự thất bại của chính sách đa văn hóa có từ lâu đời ở Anh quốc đã nhận được sự hoan nghênh của tân Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen ở Pháp. Người đứng đầu của một đảng nổi tiếng là cực hữu này càng đắc ý hơn khi chính Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng vừa đưa ra những nhận xét tương tự ông Cameron trong chương trình phỏng vấn của kênh truyền hình quốc tế Pháp TFI tối 10-2.

Ông Sarkozy cho rằng chủ nghĩa đa văn hóa mà các đời chính quyền Pháp cố gắng xây dựng “rõ ràng là một sự thất bại”, đồng thời tuyên bố: “Dù chúng ta (nước Pháp) cần tôn trọng tất cả sự khác biệt nhưng chúng ta không mong muốn một xã hội mà trong đó mọi cộng đồng đều cùng tồn tại bên nhau”. Ông chủ Điện Élysée biện luận: “Nếu một người nước ngoài nào đó muốn đến Pháp thì họ phải chấp nhận hòa nhập vào một cộng đồng duy nhất, đó là cộng đồng quốc gia, không có sự thay đổi về lối sống, quyền bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do của em gái được cắp sách đến trường”. Tuy nhiên khi đề cập trực tiếp đến vấn đề tôn giáo, ông Sarkozy nói rằng các tín đồ đạo Hồi có quyền thực hiện tín ngưỡng của mình như mọi công dân tôn giáo khác, nhưng nước Pháp không muốn nhìn thấy có người cầu nguyện trên đường phố như là cách phô trương tôn giáo.

Theo các nhà quan sát, những ý kiến trên của ông Sarkozy đã đụng chạm tới cộng đồng người Hồi giáo. Đặc biệt, việc ông tuyên bố không muốn thấy các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện trên đường phố làm gợi nhớ đến lời bình luận gây tranh cãi hồi năm ngoái của bà Le Pen. Nhà lãnh đạo của một đảng khét tiếng bài ngoại này từng so sánh cảnh người Hồi giáo quỳ lạy bên ngoài các nhà thờ đông đúc ở Pháp với sự chiếm đóng của phát-xít Đức thời Đệ nhị Thế chiến. Giới phân tích đặt vấn đề: Phải chăng ông Sarkozy muốn sử dụng chiêu bài người nhập cư và Hồi giáo để lấy lòng một bộ phận cử tri đang ủng hộ phái cực hữu trong bối cảnh uy tín của ông suy giảm mạnh?

Ai cũng biết đảng Mặt trận Dân tộc đã từng tạo nên cơn địa chấn chính trị năm 2002 khi nhà sáng lập Jean-Marie Le Pen, thân phụ của bà Marine Le Pen, lọt vào tới “trận chung kết” với Tổng thống Jacques Chirac. Ngày nay, khi chính thức kế nhiệm cha vào giữa tháng Giêng vừa qua, bà Le Pen mạnh mẽ tuyên bố đảng Mặt trận Dân tộc sẽ không đứng ngoài cuộc chơi mà đặt quyết tâm chiếm lấy quyền lực. Vì thế không ít người lo ngại bà sẽ làm nên chuyện lớn trên chính trường nước Pháp vào năm 2012 khi mà vấn đề nhập cư, bất đồng văn hóa và tôn giáo cũng đang trở thành đề tài tái tranh cử của ông Sarkozy.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP và Guardian)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP và Guardian)

Chia sẻ bài viết