26/11/2021 - 07:09

Kết thúc “kỷ nguyên Merkel” 

Ba đảng gồm Dân chủ Xã hội (FDP), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (SPD) đã đạt thỏa thuận sơ bộ lập chính phủ mới, đánh dấu sự kết thúc 16 năm cầm quyền liên tục của chính phủ bảo thủ do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu.

Bà Merkel nhận hoa từ ông Scholz trong cuộc họp nội các cuối cùng trên cương vị thủ tướng. Ảnh: Getty Images

Bà Merkel nhận hoa từ ông Scholz trong cuộc họp nội các cuối cùng trên cương vị thủ tướng. Ảnh: Getty Images

Thỏa thuận được công bố sau khi 21 đại diện của 3 đảng gặp nhau hôm 24-11. Nếu thành viên các đảng chấp thuận trong vòng 10 ngày tới, đây là lần đầu tiên chính phủ liên bang 3 bên được thành lập ở Đức kể từ những năm 1950. Điều này đồng nghĩa Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel giữ vai trò đối lập, sau kết quả tồi tệ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9.

Theo thỏa thuận, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz thuộc SPD đứng đầu liên minh 3 đảng cầm quyền. Trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 6-12, đại diện các bên hy vọng quốc hội sẽ bỏ phiếu phê chuẩn chính trị gia 63 tuổi làm thủ tướng. Với việc chính phủ mới có thể ra mắt trước lễ Giáng sinh, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Merkel không thể vượt qua kỷ lục của cựu Thủ tướng Helmut Kohl về số ngày cầm quyền (ít hơn chưa đầy một tháng).

Chương trình nghị sự tiến bộ

Tại một cuộc họp báo, ông Scholz cho biết chính phủ mới không hoạt động theo hướng tìm kiếm mẫu số chung nhỏ nhất mà tập trung vào nền chính trị có tác động lớn. Tham vọng vượt lên khỏi “kỷ nguyên Merkel”, liên minh “đèn giao thông” (đỏ - vàng - xanh) qua nội dung thỏa thuận đã thể hiện sự khác biệt trong chính sách, hướng tới sự tự do, công lý và bền vững.

Trước mắt, ưu tiên của chính phủ mới là ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm ở Đức đang tồi tệ hơn bao giờ hết. Các nhà quan sát cho rằng quá trình chuyển đổi chính trị phần nào cản trở phản ứng của chính phủ trước đợt dịch thứ 4. Tại các cuộc đàm phán kín, các đảng nhất trí thành lập nhóm xử lý khủng hoảng COVID-19 trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, giúp điều phối chính sách y tế giữa các bang. Liên minh cũng ủng hộ tiêm chủng bắt buộc ở một số cơ sở có nhóm nguy cơ.

Một điểm nhấn nữa trong thỏa thuận là giải pháp để đạt mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris 2015. Cụ thể, Đức phấn đấu chấm dứt sử dụng năng lượng than từ năm 2038 và mở rộng triển khai sản xuất năng lượng tái tạo. Dự kiến tới năm 2030, khoảng 80% nguồn điện tiêu thụ của Đức là năng lượng tái tạo với tổng cộng 15 triệu ô tô điện vận hành. Do giá năng lượng cao, chính phủ mới không tăng thuế CO2 đối với nhiên liệu hoặc khí đốt mà chỉ đặt mức tối thiểu. Việc tài trợ hàng tỉ euro từ thuế năng lượng tái tạo trong giá điện để thúc đẩy điện xanh sẽ bị bãi bỏ từ đầu năm 2023.

Về an sinh xã hội, lương tối thiểu mỗi giờ sẽ tăng lên 12 euro và có thể được xem xét điều chỉnh mức tăng phù hợp tiếp theo. Trước sự kiên quyết của SPD, các đối tác tiềm năng cho biết họ sẽ không tăng thuế hoặc nới lỏng các biện pháp kiềm chế nợ, khiến tài chính trở thành vấn đề trọng tâm giữa phe trung hữu và hai đảng thiên tả. Trong lĩnh vực nhà ở, giá thuê tại các khu vực “nóng” được yêu cầu tăng tối đa 11% trong vòng 3 năm thay vì 15% trước đó.

Các đảng cũng nhất trí tạo điều kiện và đơn giản hóa thủ tục để người di cư đoàn tụ gia đình. Thỏa thuận còn cho phép công dân mang nhiều quốc tịch, rút ngắn thời gian xin nhập quốc tịch xuống còn 5 hoặc 3 năm với người có thành tựu hội nhập đặc biệt. 

Về quốc phòng, SPD, đảng Xanh và FDP muốn trang bị máy bay không người lái cho lực lượng vũ trang; đặt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, phù hợp với chỉ tiêu đặt ra của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của một châu Âu có chủ quyền và mối quan hệ đối tác với Mỹ, coi đây là nền tảng chính trong chính sách đối ngoại.

Liên quan điều chỉnh các bộ giữa 3 đảng, SPD ngoài ghế Thủ tướng sẽ phụ trách 6 bộ (Quốc phòng, Lao động, Nội vụ, Hợp tác kinh tế và Phát triển, Xây dựng, Y tế). Đảng Xanh giữ 5 bộ (Ngoại giao; Gia đình, người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên; Môi trường và Bảo vệ người tiêu dùng; Lương thực và Nông nghiệp; Kinh tế và Bảo vệ khí hậu). Còn lại, FDP kiểm soát 4 bộ (Tài chính; Tư pháp; Giao thông và Kỹ thuật số; Giáo dục và Nghiên cứu).

MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết