24/11/2010 - 08:58

Israel khóa chặt cánh cửa hòa bình Trung Đông

Binh sĩ Israel chốt chặn trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine ở Đông Jerusalem. Ảnh: AFP

Ngày 22-11, sau 7 giờ thảo luận căng thẳng, với 65 phiếu thuận, 33 phiếu chống và 22 phiếu trắng, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật trưng cầu dân ý liên quan đến các thỏa thuận đổi đất lấy hòa bình với các nước A-rập láng giềng. Theo đó, bất cứ chính phủ nào muốn ký một thỏa thuận hòa bình trao trả các vùng lãnh thổ ở Đông Jerusalem hay Cao nguyên Golan, hoặc bất cứ vùng lãnh thổ nào khác bên trong Israel, sẽ không thể thực hiện được nếu không nhận được sự phê chuẩn của quốc hội hay thông qua một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đã bảo trợ cho đạo luật nói trên, tuyên bố đây là nền tảng pháp lý để “ngăn ngừa bất kỳ một thỏa thuận vô trách nhiệm nào, đồng thời để công chúng phán quyết mọi hiệp ước có liên quan đến lợi ích và nhu cầu an ninh quốc gia”. Đạo luật này do nghị sĩ Yariv Levin thuộc đảng Likud cực hữu cầm quyền soạn thảo. Trong khi đó, thủ lĩnh đảng đối lập Kadima, cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni, đánh giá luật mới thể hiện sự suy yếu và bất lực của ông Netanyahu trước các quyết định vốn đòi hỏi tầm hiểu biết về những vấn đề ở mọi khía cạnh của một nhà lãnh đạo. Bà Einat Wilf, thành viên Công đảng và là nghị sĩ đã bỏ phiếu chống đạo luật gây tranh cãi này, nhấn mạnh: “Luật mới là một tai họa nghiêm trọng đối với hệ thống chính trị ở Israel. Bởi trưng cầu dân ý là một công cụ nguy hiểm ở đất nước không có truyền thống sử dụng nó”.

Nhà đàm phán hòa bình Palestine Saeb Erekat tố cáo giới lãnh đạo Israel đã một lần nữa “nhạo báng luật pháp quốc tế, đàn áp nhân dân Palestine thông qua chiêu bài thực thi dân chủ”. “Chấm dứt chiếm đóng đất đai của người Palestine thì không thể nào phụ thuộc vào kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý được”, ông Erekat bày tỏ quan điểm. Cần biết rằng Đông Jerusalem (cùng với Khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng từ sau chiến tranh Trung Đông năm 1967 nhưng chưa được sáp nhập chính thức vào lãnh thổ Israel nên không nằm trong đối tượng trưng cầu dân ý) được coi là vùng đất thiêng liêng và thủ đô tương lai không thể tách rời của nhà nước Palestine độc lập.

Đối với Cao nguyên Golan của Syrie, đây là phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng từ năm 1967. Damas tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Tel Aviv cũng phải dựa trên nguyên tắc trao trả lại Cao nguyên Golan cho Syrie. Hai bên đã tiến hành đàm phán hòa bình gián tiếp dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2000, nhưng đã đứt đoạn cách đây 2 năm sau khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự 22 ngày đêm tại Dải Gaza tháng 12-2008.

Vì vậy, theo nhà khoa học chính trị Tamir Sheafer thuộc Đại học Bar-Ilan (gần Thủ đô Tel Aviv), giới chính khách hữu khuynh ở Israel muốn “đạo diễn” luật trưng cầu dân ý như là một thủ đoạn nhằm gây khó khăn thêm cho các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới, đặc biệt là tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine do chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama làm trung gian. Ấy vậy mà người phát ngôn Bộ ngoại Mỹ Philip J. Crowley lại cho rằng luật trưng cầu dân ý của Israel chỉ là “vấn đề nội bộ của Tel Aviv”.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters và AFP)

Chia sẻ bài viết