17/08/2019 - 15:17

Israel “cấm cửa” hai nghị sĩ Mỹ 

Ngày 15-8, Israel tuyên bố cấm hai nữ nghị sĩ Mỹ Rashida Tlaib và Ilhan Omar đến thăm nước này, không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi quốc gia đồng minh hành động.

Tlaib và Omar- hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên được bầu vào Hạ viện Mỹ- là những thành viên thuộc cánh cấp tiến của đảng Dân chủ và cũng chỉ trích gay gắt chính sách của Israel và ông Trump đối với người dân Palestine. Trong đó, hai chính khách này lên tiếng ủng hộ phong trào BDS vốn thúc giục các công ty tẩy chay thương mại với Israel để gây sức ép buộc nước này trao quyền bình đẳng cho người dân Palestine tại Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Dự kiến từ ngày 18 đến 22-8 tới, Tlaib và Omar sẽ đến thăm khu Bờ Tây và Haram al-Sharif/Núi Đền - một trong những địa điểm nhạy cảm và linh thiêng nhất tại Jerusalem. Hai người còn tính gặp một số nhà hoạt động hòa bình Israel và Palestine cũng như đại diện của các tổ chức nhân quyền.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh kế hoạch trên của hai nữ nghị sĩ “chỉ nhằm gây tổn hại và tẩy chay Israel”. Theo luật Israel, những người ủng hộ BDS có thể bị cấm nhập cảnh.

Phản ứng trước động thái trên, bà Omar gọi đây là “hành động lăng mạ và xúc phạm các giá trị dân chủ”. Đảng Dân chủ cũng chỉ trích động thái mới nhất của chính quyền ông Netanyahu, cho rằng nó thể hiện sự không tôn trọng Quốc hội Mỹ và đi ngược lại cam kết trước đây của Đại sứ Israel tại Mỹ rằng không có nghị sĩ Mỹ nào bị từ chối nhập cảnh vào Israel.

Thật ra, khi thảo luận cách đây 2 tuần, tất cả các quan chức Israel đều “bật đèn xanh” cho Tlaib và Omar thực hiện chuyến thăm. Nhưng Tel Aviv vào giờ chót lại đổi ý do chịu sức ép từ Tổng thống Trump, theo một nguồn thạo tin. Ngay trước khi Israel tuyên bố “cấm cửa”, chủ nhân Nhà Trắng viết trên Twitter rằng Israel sẽ bộc lộ “sự suy yếu đáng kể” nếu cho phép hai bà này nhập cảnh. Khi chúc mừng quyết định của Israel, ông Trump bình luận: “Các nghị sĩ Tlaib và Omar là bộ mặt của đảng Dân chủ và họ ghét Israel”.

Theo giới phân tích, những động thái trên có thể giúp Thủ tướng Netanyahu và tỉ phú địa ốc New York tăng thêm sự ủng hộ trong số các nhóm cử tri bảo thủ khi họ sắp bước vào chiến dịch vận động tranh cử. Israel sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 17-9 tới, còn Mỹ thì diễn ra bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020.

Hai bà Tlaib (trái) và Omar. Ảnh: AP

Thời gian gần đây, hai nghị sĩ gốc nhập cư Omar và Tlaib đã trở thành mục tiêu công kích thường xuyên của Tổng thống Trump, bao gồm kêu gọi “quay trở về nơi họ đến” để xây dựng quê hương. Tuyên bố vấp phải chỉ trích rằng ông phân biệt chủng tộc và chia rẽ nước Mỹ.

► “Không có lợi cho quan hệ Mỹ- Israel”

Hành động tác động và ủng hộ của Tổng thống Mỹ đối với quyết định gây tranh cãi của Israel có thể giúp ích cho mục đích chính trị của ông, nhưng về lâu dài sẽ đe dọa nền tảng quan hệ song phương. Bởi sự tán thành của lưỡng đảng tại Đồi Capitol là hòn đá tảng cho quan hệ Mỹ-Israel kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập.

Phe chỉ trích quyết định của Israel lo ngại hai ông Trump và Netanyahu đang khai thác tình cảnh này để thu về lợi ích chính trị ngắn hạn. Ngay cả một số nhân vật ủng hộ Israel mạnh mẽ nhất cũng chê bai bước đi hôm 15-8, cho rằng nó sẽ đào sâu những chia rẽ hiện có ở Mỹ về sự ủng hộ đối với quốc gia đồng minh. Đơn cử như lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer phê phán lệnh cấm là “dấu hiệu của sự suy yếu”, chỉ gây tổn hại quan hệ Mỹ- Israel và sự ủng hộ Israel tại xứ cờ hoa. Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Nita Lowey thì kêu gọi ông Netanyahu nên đảo ngược quyết định.

Tuyên bố của Israel cũng tạo ra “tác dụng phụ” bất ngờ khi nó đẩy các nghị sĩ Dân chủ quay sang ủng hộ Omar và Tlaib, kể cả những người từng chỉ trích hai “nạn nhân” này bởi những bình luận gây tranh cãi về Israel. Hồi tháng rồi, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết phản đối BDS.

THANH BÌNH (Theo CNN, Reuters)

Chia sẻ bài viết