01/10/2023 - 19:39

Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội 

Với quy định đưa ra đầu tuần này, Indonesia trở thành quốc gia Ðông Nam Á đầu tiên cấm các công ty truyền thông xã hội đồng thời hoạt động như nền tảng thương mại điện tử.

Một chủ sở hữu kênh bán hàng TikTok trong buổi phát trực tiếp. Ảnh: Shutterstock

Ngăn chặn cạnh tranh

Theo thông báo của Chính phủ Indonesia, việc kinh doanh trên các mạng xã hội giờ đây sẽ giống với tivi, có nghĩa là chỉ có thể sử dụng các nền tảng để quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ. Hoạt động mang tính chất giao dịch và thanh toán trực tiếp như một sàn thương mại điện tử bị cấm hoàn toàn nhằm ngăn chặn lạm dụng dữ liệu; đồng thời bảo vệ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương khỏi sự cạnh tranh thương mại điện tử. Bộ trưởng Thương mại Zulkifli Hasan cho biết các nền tảng có một tuần để áp dụng quy định mới. Họ phải lựa chọn giữa giấy phép truyền thông xã hội và thương mại điện tử, công ty nào không tuân thủ có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh tại Indonesia.

Dedi Dinarto, nhà phân tích tại công ty tư vấn chính sách công Global Counsel, dự đoán TikTok bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với 125 triệu người dùng, Indonesia là thị trường toàn cầu lớn thứ 2 của TikTok sau Mỹ. Ở mảng thương mại điện tử, các nền tảng như Tokopedia, Shopee và Lazada lâu nay thống trị thị trường Indonesia nhưng TikTok Shop đã giành được thị phần đáng kể từ khi ra mắt năm 2021. Tính năng này cho phép người dùng mở gian hàng thương mại điện tử trên chính giao diện tài khoản của họ và trả phí hoa hồng từ mỗi lần bán. So với các nền tảng như Facebook, Instagram và WhatsApp thiếu công cụ giao dịch tích hợp, TikTok Shop hiện cho phép mọi người mua hàng trực tiếp trong ứng dụng mà không tính thêm phí dịch vụ hay điều kiện kèm theo.

Những luồng ý kiến trái chiều

Chia sẻ với trang CNA News, một công nhân 38 tuổi ở Tây Java cho biết ông đã so sánh giá hàng hóa trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau và nhận thấy giá bán trên TikTok Shop là rẻ nhất. Cuối mỗi tháng, ứng dụng còn tung ra nhiều chương trình khuyến mại khiến giá giảm hơn nữa, vì vậy ông có thể mua tích trữ những mặt hàng thiết yếu trong khi chờ lương. “Nếu TikTok Shop bị cấm, tôi sẽ khó tìm được những món đồ rẻ như ở đó” - người này cho biết. Panji Made Agung, thợ làm bánh ngọt ở Bali, cũng thất vọng với lệnh cấm khi Tiktok Shop có thể được sử dụng như kênh mua bán mà không tạo áp lực cho khách hàng giữa thời điểm kinh tế khó khăn.

Trong khi đó, đa số hộ kinh doanh cửa hàng truyền thống ở Indonesia lại ăn mừng động thái của chính phủ. Những tháng gần đây, lời kêu gọi về việc ban hành quy định quản lý mạng xã hội và thương mại điện tử không ngừng tăng lên. Những người bán hàng ngoại tuyến lo ngại sinh kế bị đe dọa khi khách hàng chuyển sang mua đồ rẻ hơn trên TikTok Shop và nhiều nền tảng tương tự khác. Nói với CNA News, ông Raden bán hàng tại chợ Tanah Abang ở Jakarta đồng ý TikTok Shop làm ảnh hưởng doanh số. Nhưng nhiều tiểu thương hiện nay cũng bắt đầu tìm hiểu việc bán hàng qua TikTok khi người mua không còn đến chợ truyền thống nhiều. Vì vậy, ông Raden cho rằng thay vì cấm hoàn toàn thì chính phủ chỉ nên hạn chế, chẳng hạn dừng việc bán sản phẩm nước ngoài với giá thấp hơn đáng kể trên đó và thúc đẩy mặt hàng nội địa.

Có hành động nhiều hơn

TikTok Indonesia cho biết họ sẽ tuân thủ luật pháp và quy định của nước này. Tuy vậy, công ty hy vọng chính phủ sẽ xem xét ảnh hưởng của lệnh cấm đối với sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương và khoảng 7 triệu người sáng tạo nội dung sử dụng TikTok Shop.

Theo Tiến sĩ Siwage Dharma Negara tại Viện Yusof Ishak, lệnh cấm khi thực hiện có thể gặp nhiều thách thức bởi mọi người đã quen hoạt động thương mại trên mạng xã hội, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19. Việc đi ngược xu hướng đòi hỏi sự phối hợp tốt giữa các cơ quan thực thi; chú trọng quan điểm của tất cả các bên liên quan về quy định phù hợp đối với thương mại điện tử ở Indonesia. Trong khi đó, nhà kinh tế học Bhima Yudhistira cho biết cấm thương mại trên nền tảng xã hội chỉ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần nào. Theo ông, chính phủ cũng nên xét tới hạ lãi suất cho vay và biện pháp tăng sức mua trong nước. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp, chẳng hạn như thông qua hành khách đi máy bay.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết