22/05/2011 - 22:35

IMF thời hậu Strauss- Kahn

Bà Lagarde có khả năng trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo IMF. Ảnh: AFP

Cuối tuần rồi, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 chính thức lên tiếng ủng hộ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde làm tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thay thế ông Dominique Strauss- Kahn, vốn cũng từng là người đứng đầu ngành tài chính xứ gà trống Gaulois.

Luân Đôn có ít nhất hai lý do để ủng hộ bà Lagarde. Thứ nhất, việc bà Lagarde, người tán đồng chính sách “thắt lưng buộc bụng” đến hà khắc của Chính phủ Anh, nắm IMF sẽ duy trì được truyền thống 60 năm lịch sử là người châu Âu luôn đứng đầu định chế tài chính quốc tế này. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đấu tranh đòi từ bỏ “luật bất thành văn” phi lý đó. Thứ hai, ủng hộ một nhân vật “nặng ký” như bà Lagarde sẽ khiến cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown bị “bít cửa”. Ông Brown có tham vọng trở thành lãnh đạo IMF và mấy tháng nay đã ra sức vận động hành lang. Tuy nhiên, đương kim chủ nhân nhà số 10 Phố Downing David Cameron từng nói thẳng rằng người tiền nhiệm của mình “không hiểu được sự nguy hiểm của tình trạng nợ nần” nên không phù hợp làm ứng viên cho chiếc ghế tổng giám đốc IMF. Thực tế là khi ông Cameron tiếp quản quyền lực từ ông Brown hồi tháng 5 năm ngoái, ngân sách xứ sương mù đang thâm hụt nặng nề.

Cùng với Anh, một số “đại gia” khác ở châu Âu như Đức, Ý và những nước nhỏ hơn như Áo, Thụy Điển cũng đã bày tỏ sự hậu thuẫn đối với bà Lagarde.

Cũng vào cuối tuần rồi, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis, người được xem là ứng viên tiềm năng đại diện cho các nền kinh tế đang lên, đã tuyên bố không ra tranh chức tổng giám đốc IMF. Dù vậy, tờ New York Times của Mỹ và Daily Mail của Anh vẫn không buông tha khi loan tin trước đây khi còn làm tại Ngân hàng Thế giới, ông Dervis từng có quan lệ ngoài luồng với một thuộc cấp mà cô này hiện nay lại đang làm việc cho IMF.

Có vẻ như sau khi ông Strauss- Kahn bị bắt cách đây gần 10 ngày với cáo buộc tấn công tình dục một nữ nhân viên hầu phòng tại một khách sạn hạng sang ở New York, IMF bị “soi” rất kỹ. Hôm 20-5, người phát ngôn của IMF đã phải lên tiếng phản bác một bài báo đăng trên tờ New York Times nói rằng quấy rối tình dục và ngoại tình là “chuyện thường ngày” tại đây. Theo báo này, các nữ nhân viên làm việc tại IMF phải hạn chế mặc váy “do lo sợ những cái nhìn không mong muốn”. Mãi cho đến gần đây tại IMF vẫn tồn tại bộ quy tắc ứng xử, trong đó có một điều khoản rất lạ là “mối quan hệ thân mật cá nhân giữa những người quản lý và nhân viên cấp dưới về bản chất không cấu thành tội quấy rối”, tờ Daily Mail phụ họa. Báo này còn cho biết thêm rằng các chị em làm việc cho IMF vẫn thường cảnh báo nhau đề phòng mấy ông sếp háo sắc.

Tòa vẫn chưa phán quyết ông Strauss-Kahn có tội hay không, nhưng một điều chắc chắn rằng IMF thời hậu ông này sẽ khác đi rất nhiều, ít ra là các sếp sẽ thận trọng hơn trong quan hệ với nhân viên khác giới.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết