MẠNH TRƯỜNG (Theo Guardian, AFP)
Tại cuộc họp báo khai mạc Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia hành động nhiều hơn nữa để giảm tác động tiêu cực do tình trạng phân mảnh của thương mại toàn cầu ngày càng tăng; giúp thế giới tránh rơi vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” thứ hai.
Tổng Giám đốc IMF Georgieva phát biểu về các chương trình nghị sự chính sách toàn cầu. Ảnh: Getty Images
Ðây là lần đầu tiên trong 3 năm qua IMF và WB nhóm họp trực tiếp. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lạm phát leo thang và quan ngại đối với “sức khỏe” ngành ngân hàng gia tăng sau “cái chết” của Silicon Valley Bank trong vụ sụp đổ lớn thứ 2 lịch sử ngân hàng Mỹ. Theo cảnh báo của IMF, những điểm yếu ẩn náu trên các thị trường tài chính có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng mới và tác động đến tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.
Trước nguy cơ đó, Tổng Giám đốc Georgieva tại cuộc họp ngày 13-4 cho biết IMF kỳ vọng các ngân hàng trung ương tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát. Bà Georgieva nói thêm, rằng chính phủ các nước cần nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và làm nhiều hơn nữa để cải thiện triển vọng tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới trong trung hạn. Người đứng đầu IMF cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Sự chia rẽ nguy hiểm
Theo Tổng Giám đốc Georgieva, tác động của đại dịch COVID-19 và những thiếu sót trong quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến những chia rẽ tiềm ẩn nguy hiểm. Ðánh giá này bổ sung cho báo cáo hồi đầu tuần của IMF, trong đó dự đoán sự phân mảnh thương mại ngày càng tăng do các sự kiện như Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và khủng hoảng quân sự Nga - Ukraine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thu hẹp 7%.
Lo ngại kinh tế toàn cầu chia tách trở nên cấp bách hơn sau cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ngày 12-4. Trong thông cáo chung, các bộ trưởng cam kết khả năng phát triển quan hệ đối tác cùng có lợi với những nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn cung và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Georgieva cho biết sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu thành các khối thương mại cạnh tranh có nguy cơ dẫn tới cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong bối cảnh nhiều bất ổn như hiện nay, bà Georgieva nói rằng có thể chấp nhận một cách hợp lý sự phân mảnh nhưng thế giới cần hạn chế mức độ tổn hại ở mức thấp nhất. Sinh ra ở Bulgaria, bà Georgieva khẳng định bản thân nhận thức rõ hậu quả của Chiến tranh Lạnh là gì, đó là sự mất mát tài năng và giá trị đóng góp cho toàn cầu. Ðể ngăn việc lặp lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt về kinh tế, Tổng Giám đốc Georgieva cho biết các tổ chức đa phương như WB và IMF có vai trò quan trọng trong việc hạn chế rủi ro thế giới bị chia cắt và hình thành các khối thương mại đối đầu nhau.
Tiến độ cải cách
Tại một sự kiện ngày 13-4, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của WB David Malpass cho biết cơ quan này cùng IMF đã đạt được tiến bộ trong những vấn đề lớn nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Trong số đó có việc thông qua kế hoạch cho vay thêm 50 tỉ USD trong thập kỷ tới. Dự kiến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 để xây dựng khuôn khổ mới, mở rộng các quy tắc cho nhiều tổ chức tài chính khác.
Ngoài ra, ông Malpass cho biết các bên cũng có nhiều bước đi tích cực trong cuộc thảo luận bàn tròn về nợ do Ấn Ðộ, nước đang giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF và WB đồng chủ trì. Lần đầu tiên, các cuộc đàm phán không chỉ bao gồm các nước chủ nợ mà còn có khu vực tư nhân và đại diện những quốc gia đang đối mặt thách thức về nợ như Zambia, Ghana, Ethiopia và Sri Lanka. Bộ trưởng Tài chính Ấn Ðộ Nirmala Sitharaman cho biết, những người tham gia hội nghị nhất trí việc tái cấu trúc phải được “thực hiện nhanh chóng”. Theo IMF, 15% các quốc gia có thu nhập thấp đã lâm vào khủng hoảng nợ và 45% rơi vào nguy cơ. Việc bổ sung các cơ sở cho vay đối với những nước có thu nhập thấp cũng đang được thực hiện sau các cam kết hoặc đóng góp mới đáng kể gần đây của Ireland, Saudi Arabia, Anh, Bồ Ðào Nha và Nhật Bản.