26/06/2010 - 09:46

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G8 VÀ G20 Ở CANADA

Hướng tới “phục hồi và những bắt đầu mới”

Nhiều vấn đề được bàn thảo trong chương trình nghị sự của Hội nghị G8 và G20 tại Canada. Ảnh: EPA

Hôm qua, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) đã chính thức khai mạc tại Khu nghỉ dưỡng Deerhurst thuộc tỉnh Ontario của Canada. Sau cuộc họp cấp cao diễn ra trong hai ngày này, lãnh đạo các nước thành viên G8 sẽ cùng với lãnh đạo của 12 nước còn lại trong nhóm 20 nước phát triển và mới nổi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Toronto, thủ phủ tỉnh Ontario. Theo Thủ tướng Canada Stephen Harper, chủ đề chung của cả hai hội nghị là: “Phục hồi và những bắt đầu mới”.

Theo báo chí phương Tây, G8 tập trung thảo luận các vấn đề phát triển kinh tế xã hội (như chính sách viện trợ, y tế); an ninh và hòa bình (như chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, tình hình Afghanistan, Pakistan, Trung Đông). Trong khi đó, G20 sẽ xoay quanh vấn đề chấn chỉnh và cân bằng hệ thống tài chính toàn cầu nhằm duy trì sự phát triển kinh tế bền vững, song song với vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, an ninh và trợ cấp năng lượng. Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng G8 và G20 phải cùng hợp tác hành động mới có thể giúp giải quyết các bài toàn khó cấp bách mà cả thế giới đang đối mặt.

Bản thân G8 không thể đủ khả năng kiểm soát tất cả các vấn đề lớn và bức thiết nhất hành tinh, mà cần phải có sự thống nhất và thỏa hiệp của G20. Chẳng hạn, một mình G8 không thể giải quyết hiệu quả chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên mà cần có sự tham gia của nhiều nước khác trong khu vực. Đã có ý kiến đặt vấn đề về sự tồn tại của G8 trong bối cảnh cán cân quyền lực thế giới đang thay đổi. Đành rằng cuộc họp của G20 không dễ nhanh chóng đạt được sự đồng nhất của tất cả các bên trong những vấn đề phức tạp của thế giới, nhưng đây là một diễn đàn có thể hy vọng mang lại kết quả khả thi hơn.

Hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu trong G8 lẫn G20 đang chia rẽ về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Mỹ phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của châu Âu vì lo ngại điều này sẽ làm ngưng trệ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giữa châu Âu và các nước khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng bất đồng về những biện pháp đánh thuế ngân hàng. 3 nước này cho rằng không có lý do gì để họ đánh thuế vào lĩnh vực chẳng có trách nhiệm gì đối với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ châu Âu. Cho nên, theo hãng RIA Novosti của Nga, các nước G8 và G20 đang có cùng “căn bệnh” (chỉ nói riêng lĩnh vực tài chính) nhưng sẽ có “đơn thuốc” khác nhau.

G20 được thành lập năm 1999 (sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997-1998), chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, nên những quyết sách của G20 có ý nghĩa tác động rất lớn đến các vấn đề hệ trọng của thế giới. Dù vẫn còn một số mâu thuẫn giữa các nước thành viên, hội nghị G20 lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra khuôn khổ và phát triển thể chế thành một tổ chức giúp định hướng biện pháp phát triển lâu dài và cân bằng, cải cách cơ cấu kinh tế và hệ thống tài chính, thúc đẩy tự do hóa thương mại...

KIẾN HÒA (Theo RIA Novosti, VOA)

Chia sẻ bài viết