27/06/2018 - 07:13

Huawei chi đậm cho các chuyến công du của quan chức Úc 

Theo hãng tin Anh Reuters, Viện chính sách chiến lược Úc (ASPI) phát hiện tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất cho các chuyến công du nước ngoài của quan chức Úc.

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Báo cáo trên được đưa ra giữa lúc nhiều chính khách ở xứ sở chuột túi đòi cấm Huawei tham gia đấu thầu dự án hạ tầng mạng 5G vì lo ngại Bắc Kinh kiểm soát tập đoàn này và có thể do thám, đe dọa an ninh nội địa Úc. Úc cũng đang chuẩn bị thông qua đạo luật hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề nội bộ của Canberra.

Theo ASPI, Huawei đã tài trợ toàn bộ chi phí 12 chuyến công cán của quan chức Úc đến trụ sở của tập đoàn này tại thành phố Thâm Quyến từ năm 2010 đến 2018. Những người tham gia các chuyến đi trên bao gồm Ngoại trưởng Julie Bishop, Bộ trưởng Thương mại Steve Ciobo và cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Robb. Tuy nhiên, hãng tin Úc ABC dẫn lời giám đốc truyền thông của Huawei Jeremy Mitchell khẳng định công ty không làm điều gì sai trái. Ba chính khách từng tham gia chuyến đi do Huawei tài trợ là cựu Chủ tịch Hạ viện Harry Jenkins, Stephen Jones và Jim Chalmers thì cho rằng mục đích của những chuyến đi này là học tập kinh nghiệm nhằm đánh giá sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Tài trợ “trọn gói” các chuyến đi nói trên đã đặt ra những hoài nghi về động cơ của Huawei, nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 3, sau Samsung và Apple. Mặc dù không trái phép khi chi trả “chuyến đi học tập” cho các quan chức, nhưng đây không phải là lần đầu tiên sự hào phóng của Huawei gây chú ý. Năm 2012, truyền thông Anh từng đề cập đến mối liên quan giữa ý đồ của hãng này về việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông ở xứ sương mù với một loạt chuyến công du của các nghị sĩ. Đó cũng là thời điểm Huawei bị cấm tham gia đấu thầu dự án đường truyền băng thông rộng quốc gia của Úc vì lý do an ninh, dựa trên khuyến cáo của Cơ quan tình báo an ninh nước này (ASIO).

Còn hiện nay, Giám đốc trung tâm chính sách mạng quốc tế của ASPI, Fergus Hanson, nhận định: “5G sẽ là một trong những mảng cơ sở hạ tầng quan trọng nhất đối với kinh tế trong thế kỷ 21 và có những lo ngại an ninh quốc gia về sự tham gia của Huawei”. Ông Hanson cho rằng việc Huawei tài trợ các chuyến đi như thế đưa đến nghi ngại về những gì họ đang muốn thực hiện và cách thức hòng gây ảnh hưởng đến chính trị Úc.

Trong khi Quốc hội Úc tranh luận quyết liệt về việc ngăn chặn tác động của nước ngoài đối với vấn đề nội bộ, Canberra cũng muốn đảm bảo ảnh hưởng, danh tiếng và quyền lực mềm của mình tại khu vực Nam Thái Bình Dương không bị suy giảm. Do vậy, có thể hiểu tại sao Úc đón tiếp nồng hậu Thủ tướng Vanuatu Charlot Salwai khi ông đến thăm Hạ viện nước này hôm 25-6, tương tự như cách chào đón Thủ tướng Đảo quốc Solomon Rick Houenipwela trước đó gần hai tuần.

Trong tuyên bố, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng nước này và Vanuatu đã đồng ý đàm phán về một hiệp định an ninh song phương. Ngoài ra, Canberra cũng cam kết tài trợ hơn 14 triệu USD cho giáo dục và gần 300.000 USD cho phát triển chính sách và an ninh mạng của Vanuatu. Điều này diễn ra sau khi Solomon và Úc đạt được thỏa thuận xây dựng cáp ngầm Internet tốc độ cao nối Honiara với Sydney, trị giá 100 triệu USD.

Úc thúc đẩy dự án trên sau khi Chính phủ Solomon ký thỏa thuận với hãng Huawei năm ngoái nhằm xây dựng cáp ngầm nối nước này với Sydney. Tuy nhiên, Solomon cuối cùng hủy bỏ hợp đồng đó.

THANH BÌNH (Theo Reuters, abc.net)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Huawei-Úc