12/03/2014 - 22:11

Hỗn loạn

Việc Thủ tướng Libye Ali Zeidan bị quốc hội bỏ phiếu phế truất trong cuộc họp khẩn cấp hôm 11-3 là một kết quả được báo trước. Nguyên nhân trực tiếp là do lực lượng an ninh chính phủ không thể bắt giữ tàu chở 37.000 tấn dầu thô bất hợp pháp ở miền Đông nước này. Cơ quan công tố nhà nước còn ban bố lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Zeidan vì liên quan tới các cáo buộc biển thủ công quỹ và một số sai phạm khác.

Tuy nhiên, sự ra đi của Thủ tướng Zeidan chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, dù bản thân ông có tâm trạng hoàn toàn trái ngược. Trước khi quốc hội nhóm họp, ông Zeidan một mặt cảnh báo Libye có thể lâm vào nội chiến nếu chính phủ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, nhưng mặt khác lại tuyên bố: “Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu quốc hội giúp tôi rũ bỏ trách nhiệm nặng nề này”. Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Zeidan được coi là nhà lãnh đạo bất lực khi không thể điều binh khiển tướng giành lại 3 cảng biển ở miền Đông từ tay phiến quân. Hồi cuối năm ngoái, mạng sống của ông thậm chí phải nhờ vào sự ân xá của các tay súng bắt cóc.

Thủ tướng Zeidan cáo buộc phe Hồi giáo vốn chiếm đa số trong quốc hội chi phối lực lượng cảnh sát và quân đội, khiến ông trên thực tế không thể thực thi quyền lực của mình kể từ khi nhậm chức vào tháng 11-2012. Vị Thủ tướng bị thất sủng này là người trung lập, được sự hậu thuẫn của các nghị sĩ phi tôn giáo và được kỳ vọng làm cầu nối quan hệ giữa Libye với phương Tây trong bối cảnh phe Hồi giáo bị tẩy chay sau làn sóng “Mùa xuân A-rập”.

Tuy nhiên, lớn hơn cả vấn đề tôn giáo, đất nước Bắc Phi giàu dầu mỏ này đang đối diện với thực trạng cát cứ lãnh địa, hiện tượng các nhóm dân quân không tuân thủ mệnh lệnh của chính quyền trung ương. Tripoli không thể sai khiến được khu vực miền Đông giàu dầu mỏ muốn được tự trị, trong khi các nhóm phiến quân chống đối và ủng hộ chính phủ nổi lên khắp nơi.

Hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Abdullah al-Thani đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng tạm quyền cho tới khi quốc hội tìm được người thay thế. Tuy nhiên, ở đất nước chưa có đầy đủ những định chế chính trị như Libye sẽ khó mà tìm được người có thể hàn gắn được sự chia rẽ và do đó tình trạng hỗn loạn ắt sẽ còn kéo dài.

KIẾN HÒA (Theo AFP, AP, Reuters)

KIẾN HÒA (Theo AFP, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết