17/08/2010 - 21:28

QUỸ CHO VAY GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM NĂM 2010

Hỗ trợ việc làm, thêm thu nhập cho người lao động

Chị Diệu Linh bên các kiểu áo do chính chị thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.

Tháng 7-2010, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm (BCĐ CTMTQGVL) TP Cần Thơ đã đến các quận, huyện kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình này. Từ sự hỗ trợ của ngành chức năng thành phố, các địa phương đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong đó, Quỹ cho vay giải quyết việc làm (GQVL) năm 2010 đã mang lại việc làm, thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần hoàn thành kế hoạch GQVL năm 2010 của thành phố, tạo đà phát triển cho giai đoạn 2011-2015…

Thêm vốn sản xuất, kinh doanh

Căn nhà của chị Phạm Diệu Linh, ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, tuy nhỏ nhưng chị vẫn dành trọn phòng khách để trưng bày các sản phẩm của cơ sở may mặc tại nhà. Trên vách tường, dãy áo khoác, áo kiểu với nhiều màu sắc, hoa văn, kiểu dáng khác nhau làm sáng cả gian phòng. Chung quanh nhà là một số máy may, máy vắt sổ... và các loại vải vóc chuẩn bị cho ra hàng loạt trang phục của khách hàng đặt may. Nối tiếp nghề mẹ truyền lại, chị Diệu Linh biết may từ khi còn nhỏ và bắt đầu mở cơ sở nhận may quần áo gần 10 năm nay. Do không có vốn nhiều nên cơ sở may còn nhỏ lẻ, chỉ nhận đồ của chị em trong xóm hoặc chỗ quen biết đặt may. Mấy năm trước, chị Linh nhận may gia công hàng chợ ở thị trấn Ngã Sáu, nhưng do việc chuyên chở xa xôi, khó khăn nên hợp đồng không được lâu dài. Năm 2009, được vay 20 triệu đồng vốn Quỹ cho vay GQVL trong 36 tháng để mở rộng cơ sở may mặc, chị Linh mạnh dạn đầu tư mua máy vắt sổ và nhận may các mặt hàng áo khoác, áo kiểu, quần sọt. Chị Linh chịu trách nhiệm công đoạn vẽ, cắt, còn công đoạn ráp thành phẩm dành cho con gái và các chị em khác. Chị Linh cho biết thêm, số chị em này tham gia học lớp dạy nghề may gia dụng mở tại xã. Các chị có thể nhận hàng về nhà may, thu nhập mỗi người khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chị Linh dự tính, khi cơ sở đi vào hoạt động nề nếp, chị sẽ liên hệ với các trường tiểu học, THCS trong huyện để hợp đồng may đồng phục học sinh với giá cả phải chăng, có thể thu hút khoảng 20 lao động có việc làm, thu nhập ổn định.

Theo báo cáo của huyện Phong Điền, từ đầu năm đến tháng 6-2010, huyện đã phát vay 12 dự án vay vốn Quỹ cho vay GQVL, với số vốn gần 400 triệu đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn đến thời điểm cuối tháng 6-2010 tương đương 22%. Huyện đã thu hồi nợ trên 1,5 tỉ đồng, đạt trên 99%. Bà Nguyễn Thị Khánh Vân, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CS-XH) huyện Phong Điền, cho biết: Ngân hàng đã kết hợp với cán bộ Hội, đoàn thể đến thẩm định mô hình sản xuất, kinh doanh của các hộ trước khi phê duyệt và giải ngân vốn. Sau khi phát vay, các ngành chức năng định kỳ kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở khi có sai sót.

Qua khảo sát thực tế, các quận, huyện trong thành phố đều có nhiều nỗ lực trong việc giải ngân các dự án vay vốn Quỹ cho vay GQVL, tạo việc làm cho nhiều lao động. Huyện Vĩnh Thạnh, 6 tháng đầu năm giải ngân 2 dự án với số vốn 150 triệu đồng, GQVL cho 8 lao động; quận Thốt Nốt giải ngân số vốn 638 triệu đồng trong 5 dự án; quận Bình Thủy giải ngân 636 triệu đồng vốn, GQVL cho 79 lao động...

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2010, các quận, huyện đã giải ngân trên 250 dự án, với số vốn trên 7,6 tỉ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho gần 2.100 lao động. Tỷ lệ nợ quá hạn đến thời điểm cuối tháng 6-2010 là 8%.

Hiệu quả nhưng chưa đáp ứng nhu cầu

Qua kiểm tra thực tế các mô hình sản xuất, kinh doanh vay vốn Quỹ cho vay GQVL thành phố cho thấy, hầu hết các hộ đều phát huy được hiệu quả nguồn vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt giá trị kinh tế. Với lãi suất ưu đãi, các hộ đã sử dụng đồng vốn vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tùy theo tình hình sản xuất, kinh tế gia đình, các hộ đầu tư vốn vào các mô hình: buôn bán nhỏ, may gia công, mua bán phế liệu, cải tạo vườn, nuôi ếch, sản xuất nhang điện, lưỡi câu, nuôi heo... Điều đáng nói là các dự án vay vốn Quỹ cho vay GQVL đều tạo thu nhập khá ổn định cho nhiều lao động tại chỗ.

Nếu so với năm 2009, thời điểm nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL bắt đầu giao ủy thác về cho các hội, đoàn thể quản lý có nhiều lúng túng, thiết sót trong các quy trình quản lý, thẩm định, giải ngân và thu hồi vốn thì năm 2010 những hạn chế này dần được khắc phục, nguồn vốn đã được quản lý và giải ngân tốt, đúng đối tượng. Bà Bùi Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, cho biết: “Khi được giao quản lý nguồn vốn này, chúng tôi đã học hỏi các quy trình, thủ tục lập dự án vay vốn và quản lý, theo dõi cách sử dụng vốn, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho chị em. Hiện Hội Phụ nữ phường đang quản lý 28 hộ vay 366 triệu đồng từ Quỹ cho vay GQVL. Nhiều chị em có nhu cầu vay vốn này để phát triển, mở rộng mô hình sản xuất, nhưng số vốn có hạn nên đành hẹn lại các chị”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL thành phố vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Việc thu hồi vốn một số dự án còn chậm, tỷ lệ nợ quá hạn ở một vài địa phương khá cao (huyện Phong Điền 22%; huyện Vĩnh Thạnh 12,5%...). Công tác phối hợp của cán bộ Ngân hàng CSXH, phòng LĐ-TB&XH và các đoàn thể từng thời điểm do ảnh hưởng công tác chuyên môn chưa nhịp nhàng nên hiệu quả công việc chưa cao. Các hội, đoàn thể hỗ trợ vốn nhưng chưa quan tâm định hướng kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người lao động... Bên cạnh đó, số vốn vay cho mỗi trường hợp quá ít, không đáp ứng nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của người dân. Nhiều dự án đã được thẩm định, phê duyệt nhưng chưa tiến hành giải ngân do chưa có vốn. Địa phương nào tích cực thu hồi vốn thì mới có đủ vốn để phát vay cho các dự án mới. Đây là khó khăn, hạn chế tồn tại từ nhiều năm qua nhưng các ngành chức năng chưa giải quyết rốt ráo. Hiệu quả GQVL ở một số mô hình sản xuất chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, tiền gia công quá thấp.

Theo Phòng Quản lý lao động – Việc làm Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thời gian qua, nguồn vốn Quỹ cho vay GQVL của thành phố chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương phân bổ và nguồn vốn thu hồi hàng năm. Năm 2009, UBND TP Cần Thơ đã quyết định thành lập Quỹ GQVL TP Cần Thơ. Theo đó, hàng năm, thành phố sẽ đưa vốn vào nguồn quỹ này, thông qua Ngân hàng CSXH phát vay cho người dân. Năm 2010, Quỹ cho vay giải quyết việc làm TP Cần Thơ là 18,5 tỉ đồng, trong đó Trung ương phân bổ 4,5 tỉ đồng, vốn từ ngân sách thành phố 2 tỉ đồng, vốn thu hồi từ các dự án vay ở các quận, huyện là 12 tỉ đồng. Thế nhưng, để nguồn vốn vay thêm dồi dào, các địa phương tiếp tục vận dụng linh hoạt số vốn đang quản lý, chủ động tích cực trong công tác thu hồi vốn các dự án trước để có đủ vốn giải ngân các dự án mới, từng bước đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân.

Dù nguồn vốn còn hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân, nhưng với ý nghĩa thiết thực là góp phần giúp người lao động xây dựng các mô hình sản xuất, thu hút và tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhiều lao động, Quỹ cho vay GQVL đã, đang và sẽ là bạn đồng hành, giúp cho các địa phương giải quyết có hiệu quả việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hoàn thành kế hoạch GQVL cho 50.000 lao động năm 2010.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết