03/04/2012 - 21:03

Hạnh phúc quốc gia

Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc (LHQ) bàn về các vấn đề hạnh phúc và thịnh vượng của mỗi cá nhân và quốc gia đã diễn ra tại New York (Mỹ) từ hôm 2-4. Theo sáng kiến của Bhutan và với sự chủ trì của Thủ tướng chính phủ nước này, ông Jigmi Y. Thinley, hội nghị sẽ tập hợp các ý kiến trình lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và hội nghị thượng đỉnh Trái đất được tổ chức tại Brazil vào tháng 6 tới. Tháng 7 năm ngoái, cũng nhờ sự hối thúc của Bhutan, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết chủ trương xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm định hướng các giá trị đảm bảo hạnh phúc quốc gia và thịnh vượng toàn cầu. Ý nghĩa quan trọng của nghị quyết là thúc đẩy các biện pháp hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đầy tham vọng của LHQ vào năm 2015.

Bhutan được coi là một những quốc gia tiên phong xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững dựa trên tiêu chuẩn hạnh phúc của nhân dân mà những năm gần đây người ta đã bắt đầu gọi là Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) để so sánh với tiêu chuẩn Tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Thủ tướng Thinley cho rằng mô hình phát triển dựa theo tiêu chuẩn tăng trưởng thái quá GNP trong một thế giới đang cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi sinh là hành vi tự hủy diệt, vô trách nhiệm và trái đạo đức. Ông cho rằng mục đích của sự phát triển không chỉ nên mà còn phải tạo ra môi trường hợp pháp giúp mọi công dân có được cuộc sống hạnh phúc căn bản.

Jeffery Sachs, nhà kinh tế phát triển nổi danh của Đại học Columbia (New York), tuyên bố bản thân GNP không tạo ra hạnh phúc, bởi GNP của nước Mỹ dù tăng gấp 3 lần kể từ năm 1960, nhưng chỉ số hạnh phúc lại không được cải thiện. Trong báo cáo về chỉ số hạnh phúc thế giới, ông Sachs lưu ý rằng các yếu tố xã hội như sự tương thân tương ái, mức độ tự do cá nhân, phi tham nhũng... có ý nghĩa quan trọng hơn là sự giàu sang mà môi trường sống lại bất ổn. Ông cũng khuyến nghị các chính phủ cần mang lại hạnh phúc cho công dân của mình bằng cách giúp đỡ họ đạt được các nhu cầu cơ bản, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người lao động, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và tinh thần, vun đắp tình yêu thương, khuyến khích lòng vị tha và sự lương thiện, hạn chế chủ nghĩa thương mại quá đà...

Vương quốc nhỏ bé vùng Hy Mã Lạp Sơn Bhutan không sử dụng GNP theo thông lệ quốc tế để đánh giá chỉ số phát triển kinh tế xã hội của đất nước mình. Và một ngày nào đó, người ta tin rằng thế giới sẽ sử dụng chỉ số hạnh phúc quốc gia GNH làm “kim chỉ nam” cho kỷ nguyên mới phát triển bền vững hơn.

ĐỨC TRUNG
(Theo AP, RF/ERL)

ĐỨC TRUNG (Theo AP, RF/ERL)

Chia sẻ bài viết