13/04/2023 - 08:54

Hàn Quốc vung tiền nâng tỷ lệ sinh 

MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera)

Trong nỗ lực giữ dân số ổn định, Hàn Quốc không chỉ cấp ngân sách hỗ trợ bất kỳ ai sinh con mà còn bổ sung hàng loạt đãi ngộ khác bao gồm chi phí y tế cho phụ nữ mang thai, điều trị vô sinh, dịch vụ trông trẻ và thậm chí cả phí hẹn hò.

Lo lắng về chi phí giáo dục khi con cái lớn hơn khiến nhiều gia đình Hàn ngại sinh con. Ảnh: Al Jazeera

Vươn lên thành quốc gia phát triển chỉ trong vòng một thế hệ, Hàn Quốc lại không được biết đến với mức an sinh xã hội cao. Theo báo cáo, chi tiêu xã hội của quốc gia Đông Bắc Á thuộc hàng thấp nhất trong 38 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhưng những năm gần đây, chính quyền Hàn Quốc từ trung ương tới địa phương bắt đầu tăng cường nhiều chương trình phúc lợi với mục tiêu khuyến khích người dân sinh con. Năm 2022, số trẻ sơ sinh trung bình trên một phụ nữ Hàn Quốc ở mức thấp kỷ lục 0,78. Ở các nước phát triển, tỷ lệ sinh thay thế ít nhất phải đạt mức 2,1 để giữ dân số ổn định. Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, dân số Hàn Quốc đến năm 2100 được dự đoán giảm hơn 50%.

Trước thảm họa kinh tế và nhân khẩu học đang rình rập, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kêu gọi các biện pháp “táo bạo và chắc chắn” để giải quyết khủng hoảng. So với nhiều nước châu Âu có hệ thống phúc lợi xã hội phát triển, các chương trình của Hàn Quốc giờ đây cũng rất hào phóng và ít ràng buộc. Kể từ năm 2022, các bà mẹ Hàn nhận được khoản thanh toán trị giá 1.510 USD khi sinh con, nhiều hơn cả Pháp. Mỗi tháng, gia đình có trẻ sơ sinh đến 1 tuổi được hỗ trợ 528 USD tiền mặt và 264 USD cho trẻ dưới 2 tuổi. Vào năm 2024, các khoản này lần lượt tăng lên 755 USD và 377 USD. Hộ gia đình có thu nhập thấp và cha mẹ đơn thân nhận thêm 151 USD/tháng cùng nhiều khoản bổ sung khác cho đến khi con họ vào tiểu học.

Mỗi địa phương cũng có chính sách riêng. Đơn cử như một quận ở thành phố Busan, tiền thưởng cho những người sinh 3 lần trở lên tăng từ 377 USD lên 7.552 USD. Ở vùng nông thôn tỉnh Nam Jeolla, gia đình được trợ cấp 453 USD/tháng cho mỗi đứa trẻ trong 7 năm. Ngoài giảm gánh nặng tài chính cho những bậc cha mẹ, các chính trị gia hiện nay còn đề xuất một số biện pháp như miễn nghĩa vụ quân sự bắt buộc cho nam giới có 3 con trở lên; cho phép thuê người giúp việc nước ngoài với tiền lương thấp hơn mức tối thiểu để giảm bớt gánh nặng công việc nhà của phụ nữ.

Bài toán khó giải quyết

Kế hoạch của Hàn Quốc trợ cấp tiền mặt có thể giảm bớt khó khăn cho các gia đình có con nhỏ, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài. “Nuôi con không phải chỉ cung cấp tài chính trong 2 năm đầu đời của đứa trẻ, nhưng khả năng chính phủ tăng phúc lợi cho gia đình đến lúc đứa trẻ trưởng thành là điều không khả thi” - Giáo sư Song Da-yeong tại Đại học Quốc gia Incheon cho biết. Thay vì chỉ hỗ trợ tài chính, Giáo sư Song nói rằng chính phủ cần xây dựng môi trường lành mạnh giúp các bậc phụ huynh cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái. Hàn Quốc có số giờ làm việc dài nhất trong số những nước phát triển và bị đánh giá là quốc gia tệ nhất trong OECD xét theo tiêu chí cơ hội bình đẳng khi làm việc của phụ nữ.

Ngoài vấn đề trên, nhiều người cho rằng cần phải tính đến một loạt yếu tố phức tạp khiến các gia đình không có con, bao gồm phí sinh hoạt đắt đỏ, cấu trúc xã hội và nhận thức về bình đẳng giới. Đối với nhiều người Hàn, lựa chọn không kết hôn hay sinh con đơn giản là vấn đề sở thích. Nhiều người còn khẳng định không sự hỗ trợ nào của chính phủ có thể khiến họ thay đổi suy nghĩ này. Theo dữ liệu khảo sát từ Hiệp hội Nghiên cứu Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc, chỉ 4% phụ nữ trẻ coi hôn nhân và việc làm cha mẹ là thiết yếu, trong khi hơn một nửa coi 2 điều đó không quan trọng trong cuộc sống của mình. Tại thủ đô Seoul, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các địa phương trong cả nước, cứ 10 thanh niên thì có 6 người bày tỏ không muốn sinh con.

Trong khi đó, theo khảo sát do Rohto Pharmaceutical thực hiện, gần một nửa số người chưa lập gia đình dưới 30 tuổi ở Nhật Bản không quan tâm việc có con. Hầu hết họ lo ngại về kinh tế, gánh nặng sinh nở và nuôi dạy con cái. Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đưa ra nhiều chương trình giúp các gia đình trang trải chi phí và khuyến khích người trẻ cưới nhau.

Chia sẻ bài viết