|
Tổng thống Lee Myung-bak (thứ hai từ trái sang) tại diễn đàn doanh nghiệp Hàn-Thổ hôm 4-2. |
Tổng thống Lee Myung-bak đang có chuyến thăm Trung Đông 8 ngày qua các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Arabie Séoudite, Qatar và Các tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất (UAE). Tuy Hàn Quốc chưa quyết định ngừng mua dầu của Iran, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy Seoul đã bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng năng lượng thay thế.
Người đứng đầu Nhà Xanh đã tới Istanbul từ hôm 4-2 để tham dự diễn đàn doanh nghiệp Hàn-Thổ. Mục tiêu của tổng thống Hàn Quốc là thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế và hướng tới ký kết thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được khởi động đàm phán từ tháng 4-2010. Ông tuyên bố: “Nhân dân hai nước xem nhau như anh em, nhưng quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tôi nghĩ FTA là cơ hội mới để phát triển các nỗ lực tạo thuận lợi cho mối quan hệ đó”. Đàm phán phát triển dự án xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trị giá 20 tỉ USD tại vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đích nhắm của ông Lee khi mà phía Nhật có thể đã từ bỏ tham vọng này sau sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima bị rò rỉ do tác động của thảm họa kép động đất-sóng thần hồi tháng 3-2011. Tại Trung Đông, Hàn Quốc đã có hợp đồng đầu tiên xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân trị giá 20 tỉ USD cho UAE.
Iran tiến hành các cuộc tập trận mới
Iran đã bắt đầu các cuộc tập trận trên đất liền hôm 4-2 và cảnh báo có thể cắt giảm lượng dầu xuất khẩu cho các quốc gia châu Âu “thù địch”. Truyền thông nước này cho biết cuộc tập trận diễn ra gần Jiroft, cách Thủ đô Tehran khoảng 1.200 km về phía Nam. Chi tiết không được tiết lộ, nhưng được biết đó là cuộc diễn tập cấp độ nhỏ và không liên quan đến cuộc diễn tập hải quân qui mô lớn sắp diễn ra gần eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển 1/5 lượng dầu thô của thế giới.
Trong khi đó, phương Tây đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh, mà đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Abraham Lincoln.
THÁI THANH (Theo AP) |
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc còn cho biết lãnh đạo hai nước dự kiến thông qua văn kiện nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược” trong cuộc hội đàm giữa ông Lee và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tại Thủ đô Ankara ngày 6-2. Seoul xem Ankara là “đồng minh” vì từng đưa binh sĩ đến hỗ trợ quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 50 của thế kỷ trước.
Sau Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lee sẽ lần lượt sang Arabie Séoudite, Qatar và UAE, 3 nước cung cấp khoảng một nửa lượng dầu thô nhập khẩu của Hàn Quốc. Đây là những quốc gia mà nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, đã liên tục đến thăm thời gian qua khi Mỹ chuẩn bị áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ chống Iran. Chính quyền Seoul chưa xem xét ngừng nhập khẩu và thậm chí đã quyết định tăng cường mua dầu của Iran trong năm 2012 này, nhưng trước sức ép của Washington, giới phân tích cho rằng sớm hay muộn thì Hàn Quốc cũng phải theo. Iran hiện đáp ứng khoảng 10% lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc nên Seoul chưa vội vàng ủng hộ phương Tây cấm vận chống Tehran cho tới khi nào có được sự đảm bảo “nguồn ung ứng năng lượng ổn định”. Nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới, trong đó 87% đến từ Trung Đông.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)