Sau khi được báo cáo về những nỗ lực cải thiện xử lý đối với động vật bị bỏ rơi, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh đã đến lúc cân nhắc kỹ lưỡng việc cấm thịt chó tại nước này.

Ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối ăn thịt chó tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, thông báo hôm 27-9 đánh dấu lần đầu tiên ông Moon đề cập đến khả năng cấm thịt chó dù những tranh luận về vấn đề này đã nổi lên từ lâu. Tuy không còn phổ biến như trước nhưng người lớn tuổi tại Hàn Quốc vẫn có thói quen ăn thịt chó và món này được bán tại các nhà hàng, chợ. Ước tính mỗi năm người Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 1 triệu con chó. Ðến nay, Tổ chức nhân đạo quốc tế tại Hàn Quốc đã giải cứu hơn 2.500 con chó từ 17 trang trại. Trên khắp Hàn Quốc có hàng ngàn trang trại chó như thế.
Nhiều ứng viên tổng thống Hàn Quốc từng cam kết cấm thịt chó nhằm thu hút sự ủng hộ của cộng đồng người phản đối loại thịt này, đặc biệt là khi loài chó trở thành vật nuôi phổ biến và có nhiều nhóm vận động đóng cửa nhà hàng, chợ bán thịt chó. Theo khảo sát trong tháng này của tổ chức phúc lợi động vật Aware, 78% người dân xứ kim chi đề nghị cấm bán thịt chó mèo và 49% ủng hộ cấm tiêu thụ.
Nhiều nơi cấm thịt chó
Trong khi Hàn Quốc rục rịch cấm thịt chó, nhiều nơi ở châu Á đã chính thức ban hành lệnh cấm. Vào tháng 5-2020, các thành phố ở Trung Quốc như Thâm Quyến và Chu Hải đã cấm mua bán và tiêu thụ thịt chó, mèo. Trước đó, Luật Bảo vệ Ðộng vật của Ðài Loan được sửa đổi vào giữa năm 2018 nghiêm cấm việc giết và ăn thịt chó, mèo, đồng thời tăng cường hình phạt với các trường hợp vi phạm. Cụ thể, người giết chó, mèo có thể bị phạt tới 2 năm tù và phạt tiền tối đa 65.000USD, trong khi ăn thịt chúng có thể bị phạt 8.000USD.
Từ tháng 7 năm ngoái, chính quyền tỉnh Siem Reap (Campuchia) cũng đã cấm giết mổ và mua bán chó để lấy thịt vì cho rằng loài vật này trung thành, biết giữ nhà và thậm chí còn phục vụ trong quân đội. Theo quy định, những người bị phát hiện bán thịt chó sẽ phải ký cam kết không tái phạm, nếu không muốn bị xử lý. Mức phạt tối đa cho hành vi vi phạm là 5 năm tù, kèm theo số tiền phạt lên đến 12.200USD.
Siem Reap, tỉnh có di tích đền Angkor Wat nổi tiếng, trở thành địa phương đầu tiên cấm giết mổ, buôn bán thịt chó tại Campuchia trong khi ước tính cả nước có khoảng 3 triệu con chó bị giết mổ hàng năm. Theo tổ chức bảo vệ động vật Four Paws (trụ sở ở Áo), Siem Reap chào đón hơn 2 triệu du khách mỗi năm. Trong khi đó, tỉnh này là nguồn cung cấp và buôn bán chó trên quy mô lớn.
Kêu gọi ngừng buôn bán thịt chó
Nghiên cứu của Four Paws chỉ ra buôn bán thịt chó, mèo không chỉ tàn nhẫn mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới từ động vật hoặc liên quan đến các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng khác như bệnh dại, bùng phát dịch tả. Chó, mèo bị trao đổi buôn bán thường là những vật nuôi bị bắt trộm và đi lạc trên đường phố. Ðiều kiện mất vệ sinh ở các lò mổ và chợ động vật sống đã tạo môi trường thuận lợi cho việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật và là nơi sản sinh, phát triển những loại bệnh mới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật.
Trong bối cảnh trên, hơn một triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị của Four Paws, kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo ở Ðông Nam Á. Tại châu Á, khoảng 30 triệu con chó và mèo bị giết mỗi năm để lấy thịt. Tính riêng ở Campuchia, Việt Nam và Indonesia, con số này là hơn 10 triệu con.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)