15/05/2021 - 22:06

Hamas trong toan tính của Israel 

Cuộc chiến tranh lần thứ 4 giữa Hamas và Israel có nhiều vấn đề gây tranh luận cả về chính trị lẫn an ninh mà mỗi bên đều có thể đạt được mục đích, chỉ có mạng sống dân thường chịu thiệt.

Dải Gaza bị máy bay và thiết giáp Israel tấn công. Ảnh: AA

Dải Gaza bị máy bay và thiết giáp Israel tấn công. Ảnh: AA

Israel đã đánh chiếm Ðông Jerusalem, Khu Bờ Tây và Dải Gaza trong cuộc chiến tranh năm 1967. Ðây là những vùng đất mà người Palestine muốn thành lập nhà nước tương lai riêng. Tuy nhiên, Israel đã sáp nhập Ðông Jerusalem và khẳng định chủ quyền trên thực tế. Riêng từ năm 2005, Israel rút binh sĩ và dân định cư ra khỏi Gaza và Hamas lên nắm quyền vùng đất này từ năm 2007. Trong khi đó, Khu Bờ Tây do Chính quyền Palestine được quốc tế công nhận quản lý, nhưng bị Israel xây nhiều khu định cư Do Thái tại các khu vực chiếm đóng trái phép.

Vị thế mới của Hamas

Hamas và Israel đã trải qua 3 cuộc chiến năm 2009, 2012 và 2014 với hồi kết bằng một lệnh ngừng bắn không chính thức được cộng đồng quốc tế dàn xếp. Cuộc chiến lần thứ 4 này có thể kết thúc theo cách tương tự.

Theo quân đội Israel, kể từ hôm 10-5, Hamas đã phóng khoảng 2.000 rocket về phía Israel. Phần lớn trong số này bị hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel đánh chặn, nhưng người dân tại các thành phố miền Nam nước này luôn nơm nớp lo sợ khi các sân bay bị gián đoạn, còi hú cảnh báo bị không kích liên tục vang lên tại Tel Aviv và Jerusalem.

Tình báo Israel ước tính rằng phong trào Hồi giáo Hamas và các đồng minh tại Dải Gaza hiện có khoảng 30.000 quả rocket và đạn cối. Rocket của họ có nhiều tầm bắn và thiếu hệ thống dẫn đường. Tuy nhiên, các tay súng Hamas có năng lực cải thiện độ chính xác của rocket. Rocket tầm trung của Hamas dựa trên thiết kế của Nga và Iran chỉ bắn xa khoảng 40km nên không đủ vươn tới Tel Aviv. Tuy nhiên, rocket tầm xa của Hamas có tốc độ nhanh hơn và có thể bắn tới Jerusalem, Tel Aviv và sân bay quốc tế Ben-Gurion cách Tel Aviv 15km về phía Ðông Nam. Một phần công nghệ rocket tầm xa của Hamas được cho do Iran cung cấp. Trước đây, Hamas bị cáo buộc mua lậu các bộ phận rocket hiện đại thông qua các đường hầm bí mật tới Ai Cập nhưng đã bị chính quyền Cairo nỗ lực phong tỏa. Vì thế, Hamas và các nhóm thánh chiến đã tự phát triển kỹ năng sản xuất hệ thống rocket riêng. Trong tuyên bố hôm 13-5, Hamas cho biết họ có tên lửa với tầm bắn xa 250km, tức có thể bắn tới bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Israel.

Một số tư lệnh chiến trường của Israel cũng đã bày tỏ sự ngạc nhiên về cường độ và tầm bắn xa của rocket từ Dải Gaza. Michael Armstrong, phó giáo sư nghiên cứu về rocket tại Ðại học Brock (Canada), cho rằng cường độ bắn rocket của Hamas đã tăng nhanh đáng kể so với trước đây. Dẫn số liệu của Lực lượng Phòng vệ Israel, ông Armstrong cho hay trong 24 giờ đầu tiên của cuộc xung đột đang diễn ra, Hamas đã bắn tổng cộng 470 quả rocket. Trong khi đó, so với ngày đỉnh điểm của hai cuộc chiến tranh năm 2012 và 2014, Hamas chỉ phóng lần lượt 312 và 192 quả. Ðáng chú ý, ông Armstrong nhận thấy Hamas đã phóng 130 rocket tầm xa nhằm vào thành phố Tel Aviv tối 11-5, chiếm 17% tổng số rocket được bắn trong cùng thời điểm. Ðiều này có nghĩa Hamas đang sở hữu nhiều rocket tầm xa hơn so với 2 cuộc chiến trước.

Với nhiều người Palestine, rocket là biểu tượng cho quyền phản kháng chính nghĩa của họ chống lại sự chiếm đóng và ách thống trị của Israel.

Hamas vì lẽ đó ngày càng nhận được sự ủng hộ và công nhận của nhiều người Palestine như là phong trào giải phóng toàn thể dân tộc. Thế nên, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tháng rồi đã hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong vòng 15 năm qua giữa lúc đảng Fatah đang bị chia rẽ và khả năng Hamas thắng cử rất cao.

Toán tính của ông Netanyahu

Cuộc chiến Israel - Hamas bùng nổ trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đứng trước nguy cơ từ bỏ quyền lực và đối diện với tòa án chống tham nhũng. Cuộc chiến này được cho sẽ giúp ông củng cố quyền lực trước các đối thủ chính trị đang bị lung lay tinh thần.

Bên cạnh đó, tấn công Hamas vào thời điểm này sẽ có lợi cho Israel khi Mỹ muốn tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Trung Ðông. Hamas không công nhận Nhà nước Do Thái và cũng không ủng hộ sáng kiến 2 nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại. Israel và nhiều nước phương Tây coi Hamas là tổ chức khủng bố, đồng thời cáo buộc phong trào này là nguyên nhân dẫn đến tiến trình hòa đàm Trung Ðông đổ vỡ.

Chính vì vậy, theo ông Amos Harel - cộng tác viên lâu năm phụ trách mảng quân sự của nhật báo Haaretz (Israel), Hamas được mô tả là “kẻ thù yêu thích” đối với nhiều người Israel. Quan điểm cứng rắn của Hamas cho phép Israel cô lập Dải Gaza khỏi cuộc xung đột lan rộng ra khu vực, đồng thời củng cố quyền kiểm soát của mình tại Ðông Jerusalem và Khu Bờ Tây, nơi ít bị phản kháng từ Chính quyền Palestine. Chiến dịch quân sự của Israel với sức mạnh không quân và pháo kích sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Dải Gaza không chỉ về thương vong con người mà cả kết cấu hạ tầng. Ðời sống của gần 2 triệu người Palestine tại Gaza vốn đã khó khăn cũng sẽ càng nghèo túng.

Tuy nhiên, Israel có thể sẽ không đưa bộ binh vào Gaza vì điều này sẽ gây tổn thất không thể lường trước và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Giới phân tích cho rằng Israel sẽ không phiêu lưu quân sự tại Dải Gaza trừ khi Hamas thực hiện một cuộc tấn công kinh hoàng hơn. Hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt vốn nhiều lần được nâng cấp của Israel đủ khả năng đánh chặn rocket của Hamas.

Tareq Baconi, nhà phân tích của tổ chức Crisis Group, cho rằng Israel sẽ không lật đổ Hamas và toan tính của nước này là “duy trì hiện trạng” đối với Hamas và Dải Gaza. “Mỗi khi Hamas và Dải Gaza trở nên quá mạnh, hãy đánh chúng”, ông Baconi bình luận. Ðây là chiến lược rộng lớn mà người Israel vẫn gọi là chiến lược “cắt cỏ”.

Giới chức y tế tại Dải Gaza thông báo, sáng 15-5, một gia đình gồm 10 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích tại phía Tây vùng lãnh thổ này.  Theo nguồn tin trên, 8 trẻ em và 2 phụ nữ đều thuộc gia tộc Abu Hatab, đã thiệt mạng trong một ngôi nhà 3 tầng ở trại tị nạn Shati, vốn đã bị sập sau cuộc không kích của Israel.
   Trước đó, trong ngày 14-5, quân đội Israel nã pháo và tăng cường không kích vào một mạng lưới đường hầm của phong trào Hamas nằm ở dưới các khu dân cư ở Dải Gaza. Quân đội Israel cho hay 160 máy bay cùng nhiều đơn vị pháo binh và thiết giáp đã tham gia cuộc tấn công trước bình minh kéo dài 40 phút, nhưng khẳng định không có lực lượng nào vượt sang Dải Gaza. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ khi xung đột bắt đầu hôm 10-5.  Đáp lại, Hamas cũng phóng rocket dồn dập về phía miền Nam Israel. 
    Kể từ khi cuộc xung đột nổ ra từ ngày 10-5 đến nay, quân đội Israel tấn công khoảng 750 vị trí mà họ mô tả là các mục tiêu quân sự như cơ sở chế tạo bom của Hamas và nhà của các chỉ huy quân sự cấp cao. Phía Israel ước tính hơn 30 chỉ huy của Hamas và nhóm đồng minh Islamic Jihad đã thiệt mạng. Giới chức y tế ở Dải Gaza cho hay có ít nhất 132 người ở khu vực đã thiệt mạng, bao gồm 31 trẻ em và 20 phụ nữ, cùng hơn 800 người bị thương. Con số tử vong ở Israel là 8 người.

ÐỨC TRUNG (Theo AP, Nytimes)

 

Chia sẻ bài viết