19/04/2024 - 10:03

“Ngày tàn của đế quốc”

Góc nhìn về báo chí và chiến tranh 

"Ngày tàn của đế quốc" (tựa gốc: "Civil War") là phim viễn tưởng về cuộc nội chiến ở nước Mỹ và hoạt động của một nhóm phóng viên chiến trường. Phim không đề cao chủ nghĩa anh hùng hay mang tính giải trí như những phim Hollywood thường thấy, mà mang nặng tính ẩn dụ và nhiều suy ngẫm cho người xem.

Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.

Nhóm phóng viên chiến trường trong một cảnh phim.

Bộ phim viễn tưởng này lấy bối cảnh ở tương lai gần, khi nước Mỹ đã chia rẽ đến mức các tiểu bang tuyên bố ly khai. Tổng thống đương nhiệm đã đình chỉ Hiến pháp và giải tán FBI. Nội chiến bùng nổ trên mọi mặt trận giữa liên minh bờ Tây và quân chính phủ. Giữa cảnh loạn lạc, một nhóm nhà báo chiến trường gồm cây viết lão luyện Sam, phóng viên chuyên phóng sự Joel, nhiếp ảnh gia kỳ cựu Lee và cô nhà báo tập sự Jessie, quyết định thực hiện một chuyến đi táo bạo, vượt hơn 1.500km để đến Nhà Trắng và ghi nhận những diễn biến của chiến tranh. Liệu họ có đạt được mục đích khi hành trình vô cùng nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào?

Ðây không phải là một phim về người hùng có thể cứu thế giới hay thay đổi cuộc chiến, càng không phải là phim chiến tranh với những diễn biến gay cấn, khốc liệt dẫn đến thắng thua của các phe phái thường thấy. Mà tâm điểm của phim chính là hành trình tác nghiệp của nhóm nhà báo. Nhà làm phim khéo léo đặt người xem vào vai trò của nhóm nhân vật chính, để mỗi một cột mốc họ đi qua là từng lát cắt về nước Mỹ được bóc tách, khai thác với góc nhìn đa chiều. Ðó là nơi có những cuộc bạo loạn, những thành phố hoang tàn, những vùng quê vắng vẻ và cả những nơi yên bình mà chiến tranh chưa chạm tới… Mọi cảm xúc phụ thuộc vào cách nhân vật và người xem cảm nhận về tình huống cũng như cuộc sống trong chiến tranh. Giây phút các nhà báo chơi đùa vui vẻ với trẻ em ở một chặng dừng khiến mọi căng thẳng như tan biến. Rồi cảm giác sợ hãi tột cùng khi lần lượt từng người bị bắn khi rơi vào tay một nhóm phiến quân. Hay sự chơi vơi, mất phương hướng lúc họ chạy thoát và băng qua khu rừng đang cháy, ánh mắt và gương mặt thất thần của các nhân vật khi nhìn những tàn lửa bay trong không khí khiến người xem không khỏi băn khoăn về một tương lai mơ hồ, đầy bất ổn cùng sự tàn khốc của chiến tranh.

3/4 thời lượng của phim là các sự kiện nhỏ để tập trung khắc họa tâm lý nhóm nhân vật chính và miêu tả một quốc gia thời kỳ chia rẽ, 1/4 cuối phim dành cho cảnh chiến đấu ác liệt khi liên minh bờ Tây tấn công vào Nhà Trắng. Cách khai thác hành trình của nhóm phóng viên như một phim tài liệu nên sẽ kém hấp dẫn đối với một bộ phận khán giả. Ðặc biệt, nhóm phóng viên không thể hiện rõ việc theo phe ai, bênh ai. Họ chỉ làm nhiệm vụ một cách trung lập, phản ánh tình hình cuộc chiến. Nhưng để có được những tấm ảnh sinh động, đắt giá, họ phải lăn xả vào nơi bom đạn và có thể mất mạng bất cứ lúc nào.

Ðiểm trừ của phim là sự mâu thuẫn trong cách khắc họa nhân vật. Phóng viên tập sự Jessie lúc đầu sợ hãi khi chứng kiến cảnh chiến tranh khốc liệt, thậm chí khóc lóc, ói mửa, thất thần mỗi lần rơi vào nguy hiểm. Nhưng trong trận chiến cuối cùng, cô lại gan lì, bình tĩnh, xông pha không hề run sợ. Ngược lại, phóng viên kỳ cựu Lee lúc đầu bình tĩnh, trải đời bao nhiêu thì trong trận chiến với Nhà Trắng, cô lại có vẻ sợ hãi, thu mình bấy nhiêu. Sự thay đổi tâm lý đột ngột của 2 nhân vật này không được lý giải nên người xem khó mà chấp nhận được. Cái kết của phim càng khiến khán giả chưng hửng vì nó chóng vánh, có phẫn khiên cưỡng và không để lại thông điệp gì.

Dù sao "Ngày tàn của đế quốc" cũng là một hướng đi mới mẻ trong đề tài chiến tranh của Hollywood.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết