15/03/2012 - 21:42

Gỡ gạc "một liên minh đặc biệt"

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã thống nhất định hướng chấm dứt sớm vai trò chiến đấu của Mỹ và Anh tại “vũng lầy” Afghanistan. Ông Obama thừa nhận cuộc chiến tại Afghanistan đang bước vào giai đoạn “khủng hoảng tinh thần” đã biểu hiện rõ nét qua các hành vi đốt kinh Koran, sát hại cuồng loạn dân thường của lính Mỹ dẫn đến làn sóng biểu tình đẫm máu khắp quốc gia Nam Á này. “Chúng ta đã ở đó hơn 10 năm rồi và người dân đang cảm thấy mệt mỏi”- ông Obama giải thích cho quyết định kết thúc sứ mạng chiến đấu vào năm tới để mở đường cho kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014 như đã định.

Cần biết rằng Mỹ vẫn đang duy trì 90.000 quân tại Afghanistan chứ chưa hề cắt giảm xuống mức 68.000 quân vào cuối tháng 9-2011 như kế hoạch của ông Obama. Nhưng tình thế hiện nay đã buộc nhà lãnh đạo này phải kết thúc sớm cuộc chiến mà không ai tin rằng có thể giành thắng lợi. Đồng minh cật ruột nhất của Mỹ là Anh do chịu áp lực của dân chúng cũng đã đưa ra quyết định “tháo lui” qua kế hoạch rút gần như toàn bộ 9.500 binh sĩ của mình tại Afghanistan về nước vào cuối năm nay.

Dư luận cho rằng phản ứng của ông Obama trong vấn đề Afghanistan còn nhằm bảo toàn cho chiến dịch tái cử của ông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quyết định kết thúc sớm vai trò chiến đấu của lính Mỹ tại Afghanistan có thể là một ván cờ quá mạo hiểm. Ông Obama có thể tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 tới, nhưng nếu Afghanistan lâm vào hỗn loạn mới thì nước Mỹ sẽ gánh chịu trách nhiệm lớn.

Về phần mình, Thủ tướng Cameron đã có thể thở phào nhẹ nhõm do kế hoạch từ bỏ chiến trận của mình được Tổng thống Obama “hưởng ứng”. Nhưng để gọi là duy trì “liên minh đặc biệt” với Mỹ, ông Cameron tuyên bố sẽ sát cánh với Washington, kể cả bằng quân sự, chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syrie và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Trong làn sóng bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi, Luân Đôn tỏ ra là bên “hăng say” xung trận nhất qua cuộc chiến tại Libye cùng với Pháp. Tuy nhiên, ông Obama tin rằng một sự can thiệp quân sự vào Syrie sẽ gây ra những hậu quả nặng nề, trong đó có nguy cơ tạo ra nội chiến khốc liệt hơn. Syrie đã trải qua đúng 1 năm xảy ra bạo loạn, nhưng chế độ của ông al-Assad vẫn không suy yếu và đang giành lại quyền kiểm soát đất nước. Trong khi đó, một đòn quân sự phủ đầu phá hoại chương trình hạt nhân của Iran vào thời điểm này cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn nếu Tehran dùng biện pháp cứng rắn hơn để trả đũa.

Dẫu sao, theo hãng tin Anh Reuters, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố ủng hộ mối quan hệ đồng minh thân cận với Luân Đôn, dù trên thực tế Thủ tướng Cameron không nhận được sự hỗ trợ nào của Mỹ trong nỗ lực khôi phục nền kinh tế vốn đang chống chọi với cơn bão tài chính dữ dội ở châu Âu.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết