Hôm nay (8-7), các đại biểu đến từ 70 quốc gia và tổ chức quốc tế sẽ tham dự hội nghị một ngày tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) để đánh giá lại những thành tựu của Afghanistan trong thập niên qua và vạch ra hướng đi mới nhằm giúp nước này tự chủ, nhất là trong bối cảnh liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút khỏi quốc gia Nam Á này vào năm 2014.
Đây là hội nghị quốc tế lần thứ hai tổ chức tại Tokyo bàn về việc tái thiết Afghanistan kể sau sự sụp đổ của chế độ Taliban cuối năm 2001. Các bên tham gia, bao gồm nước chủ nhà Nhật Bản, đã cam kết đóng góp 5 tỉ USD tại hội nghị đầu tiên hồi tháng 1-2002. 10 năm sau đó, trước thực trạng Taliban ngày càng gia tăng sức mạnh và sự thất bại của Chính phủ Afghanistan trong nỗ lực chống tham nhũng, giảm sản lượng cây anh túc, cải thiện nhân quyền, tạo sự công bằng và điều hành tốt đất nước, giới phân tích nước này tỏ ra thận trọng trước những tác động của những cam kết mới của cộng đồng quốc tế đối với việc thay đổi hoàn cảnh sống của thường dân Afghanistan.
“Giống như hội nghị Tokyo, nhiều hội nghị khác tổ chức ở Luân Đôn, Bonn, Paris, Chicago và thậm chí là hội nghị đầu tiên đều nhằm tái thiết nước này, song hầu hết sự tài trợ đều rơi vào tay của các nhóm quyền lực”- Giáo sư Faizullah Jalal tại Đại học Kabul và cũng là một nhà quan sát chính trị cho biết. Theo ông, để huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế tại hội nghị lần này, Chính phủ Afghanistan nên đưa ra những cam kết như chống tham nhũng, vấn nạn buôn lậu ma túy, rửa tiền và bảo đảm quản lý tốt nguồn tài trợ, nhưng việc thực hiện cam kết sẽ khó hơn như nó đã từng xảy ra trong quá khứ.
Trước hội nghị tại Tokyo, cơ quan viện trợ quốc tế Oxfam cảnh báo khoản viện trợ cam kết cho Afghanistan tới đây nên giúp ích nhiều hơn cho người dân Afghanistan trong thập niên tới. “Oxfam kêu gọi các nước tham gia hội nghị duy trì mức độ viện trợ cho Afghanistan và bảo đảm nó đến tay nam giới, phụ nữ và trẻ em nước này những người cần nó nhiều nhất”- thông cáo báo chí của Oxfam nhấn mạnh. Theo tổ chức có trụ sở tại Anh này, khoảng 60 tỉ USD tiền viện trợ đã được chuyển cho Afghanistan trong thập niên qua. Trong giai đoạn này tuổi thọ trung bình của người dân Afghanistan tăng đáng kể, từ 47 lên 62 ở nam giới và từ 50 lên 64 ở phụ nữ, với hơn 80% các quận huyện được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đặc biệt, số trẻ em gái được đến trường cũng tăng đến 2,7 triệu, so với chỉ vài nghìn em dưới thời Taliban.
Mặc dù vậy, Oxfam cho biết Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đồng thời cảnh báo việc các lực lượng quân sự nước ngoài rút khỏi nước này vào cuối năm 2014 sẽ tác động nặng nề đến nền kinh tế, bởi 97% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan có liên quan đến sự hiện diện của cộng đồng quốc tế. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính viện trợ cho Afghanistan có thể giảm đến 90%.
Các quyết định về mức viện trợ và chi tiêu được tin là được đưa ra vào thời điểm vô cùng quan trọng đối với quốc gia Nam Á này, khi nhà tài trợ lớn nhất của họ - Mỹ - cắt giảm gần một nửa khoản viện trợ phát triển trong năm 2011, từ 4,1 tỉ xuống còn 2,5 tỉ USD. Được biết, tại hội nghị Tokyo lần này, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai dự kiến sẽ tìm kiếm 3,9 tỉ USD tiền viện trợ quốc tế hàng năm để tái thiết nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh, dù ông biết giữa cam kết và thực hiện các cam kết là một khoảng cách khá xa.
THANH TRÚC (Theo Xinhua)