21/11/2011 - 10:34

Gió đổi chiều!

Trước nay, chuyện các cựu đế quốc giàu có dang tay giúp đỡ những nước thuộc địa cũ của mình để duy trì ảnh hưởng là điều thường thấy. Còn việc các nước nghèo cứu trợ những cựu “mẫu quốc” thì có lẽ chỉ tồn tại trong thời khủng hoảng nợ công như bây giờ.

Trong chuyến thăm Angola hồi giữa tuần rồi, Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đã như mở cờ trong bụng khi được Tổng thống nước chủ nhà Jose Eduardo Dos Santos hứa giúp đỡ. Bồ Đào Nha bị buộc phải bán một số tài sản nhà nước để trả nợ, trong đó có việc tư hữu hóa hai tập đoàn năng lượng, truyền tải điện và hãng hàng không quốc gia. Chuyến công du của ông Coelho, người lúc nhỏ từng có thời gian sống ở Angola, là nhằm mời gọi các nhà đầu tư cựu thuộc địa tham gia vào quá trình này.

Những năm gần đây, đầu tư của Angola vào Bồ Đào Nha tăng mạnh, từ 1,6 triệu euro năm 2002 lên 116 triệu euro năm 2009. Tuy con số (kể cả trong tương lai) không phải là lớn nhưng “một nắm khi đói bằng một gói khi no” vậy. Hiện Bồ Đào Nha đang cõng trên lưng khoản nợ tương đương 94% GDP và hồi tháng 4 năm nay, nước này đã phải ngậm ngùi nhận gói cứu trợ 78 tỉ euro từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế với những điều kiện ràng buộc không dễ chịu chút nào. Trong khi kinh tế Bồ Đào Nha dự kiến tiếp tục tăng trưởng âm vào năm tới thì Angola, quốc gia mới giành được độc lập năm 1975, sẽ chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục 12% (chủ yếu là nhờ nguồn dầu khí dồi dào). Các doanh nghiệp Angola hiện nắm 3,8% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha và là nhà đầu tư nước ngoài (ngoài châu Âu) lớn nhất ở đây.

Không chỉ Bồ Đào Nha chấp nhận gạt bỏ “sĩ diện” mà nước láng giềng Tây Ban Nha cũng vậy. Tại hội nghị Ibero-America, tổ chức qui tụ hơn 20 nước thuộc địa trước đây của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Mỹ Latinh, tại Paraguay hồi cuối tháng rồi, vị thế của các cựu “mẫu quốc” yếu đi thấy rõ. Nếu như trước đây các nước Mỹ Latinh thường trông chờ vào viện trợ từ bên kia bờ Đại Tây Dương thì tình hình nay đã khác. Nói như Tổng thư ký Ibero-America, ông Enrique Iglesias, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, lần đầu tiên Mỹ Latinh không phải là một phần của vấn đề, mà là một phần của giải pháp. Kinh tế khu vực này dự kiến tăng trưởng 6% trong năm nay và kết quả là ngày càng có nhiều người di cư từ châu Âu sang Mỹ Latinh. Tuy chưa tới mức tồi tệ như Bồ Đào Nha nhưng Tây Ban Nha hiện cũng đang đau đầu với khoản nợ công 700 tỉ euro, tỷ lệ thất nghiệp trên 22% còn kinh tế thì giậm chân tại chỗ.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết