16/01/2022 - 16:18

Giấc mơ về “phạm vi ảnh hưởng” của ông Putin 

Ðối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”. Tuyên bố này được nhà lãnh đạo xứ bạch dương đưa ra vào năm 2005, chỉ vài tháng sau khi Ukraine xảy ra cuộc “Cách mạng Cam” khởi đầu rũ bỏ ảnh hưởng của Nga, thúc đẩy khuynh hướng ủng hộ dân chủ của Kiev.

Binh sĩ Nga được điều đến hỗ trợ Kazakhstan. Ảnh: WP

Trước đó 2 năm, cuộc “Cách mạng Hoa hồng” cũng đã lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga Eduard Shevardnadze tại Gruzia. Thế nhưng, ông Putin vẫn luôn hoài niệm về một Liên Xô cũ và tự vẽ ra bản đồ “phạm vi ảnh hưởng” của Nga, bao gồm phần lớn các nước cộng hòa như Ukraine, Belarus, Moldova, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Tajikistan và Uzbekistan. Ðó có lẽ là lý do vì sao Nga vừa dẫn đầu đoàn binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tới Kazakhstan để hỗ trợ chính phủ nước láng giềng bình ổn đất nước.

Giới phân tích cho rằng có rất nhiều suy tính phía sau động thái trên chứ không đơn thuần là việc Nga muốn chuyển hướng sự chú ý của phương Tây khỏi sự hỗn độn đang bao trùm khu vực miền Ðông Ukraine trong thời gian gần đây. Theo họ, động thái của Nga không chỉ nhằm ngăn cản các quốc gia bên ngoài thiết lập chỗ đứng tại đây, mà còn gửi thông điệp cứng rắn đến phương Tây rằng Mát-xcơ-va quyết tâm bảo vệ “sân sau” của mình.

Thật vậy, kể từ khi Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo Nga, từ cố Tổng thống Boris Yeltsin đến Tổng thống Putin luôn lo lắng về sự mất an ninh tại các khu vực biên giới Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh. Do đó, ông Putin không thể mạo hiểm để tình hình bất ổn tại Kazakhstan dẫn tới việc thành lập một chính phủ mới gây bất lợi cho Mát-xcơ-va. Hơn nữa, ông muốn xây dựng lòng trung thành sâu sắc hơn nữa của các nước đối với Mát-xcơ-va và hạn chế ảnh hưởng từ các khoản đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với phương Tây.

Theo tờ Bưu điện Washington, những nước được coi là trung thành với Nga sẽ được “thưởng” bằng các hỗ trợ kinh tế như cho vay, ký kết các hợp đồng đầu tư, giảm giá nhập khẩu năng lượng và hỗ trợ về mặt quân sự. Ðổi lại, các nước này phải hạn chế hợp tác với phương Tây và phải cho phép tiếng Nga được tồn tại ở những nước đó. Tuy nhiên, điều mà Ðiện Kremlin quan tâm hơn là mối lo mất ảnh hưởng đối với Trung Á. Ðể ngăn chặn khả năng này, kể từ năm 1991, Nga đã duy trì nhiều hiệp ước đa phương, chẳng hạn như Cộng đồng các quốc gia độc lập, CSTO và Liên minh Kinh tế Á - Âu, nhằm đảm bảo rằng Trung Á vẫn kiên định trong quỹ đạo của mình.

Năm 2014, Mỹ đã phải đóng cửa căn cứ không quân Manas tại Kyrgyzstan sau các nỗ lực cảnh báo của Nga rằng Trung Á nằm trong “phạm vi ảnh hưởng đặc quyền” của Mát-xcơ-va. Hồi năm 2020, khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử, ông Putin khi đó tuyên bố Mát-xcơ-va sẵn sàng gửi quân tiếp viện Minsk nếu cần thiết.

Từ lâu, nhà lãnh đạo Nga đã cáo buộc phương Tây cố gắng cắt giảm ảnh hưởng của Mát-xcơ-va. Giờ đây, ông cho rằng Nga đang bị đe dọa hơn bao giờ hết và đang đòi hỏi đảm bảo từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) rằng liên minh quân sự này sẽ không can thiệp vào “sân sau” của Ðiện Kremlin, đồng thời kêu gọi dỡ bỏ cơ sở hạ tầng của NATO được lắp đặt ở Ðông Âu sau năm 1997.

Song, đối với ông Putin, mục tiêu rộng lớn hơn là khắc phục hậu quả của sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, điều mà ông mới đây gọi là “sự tan rã của nước Nga lịch sử”.

Tham vọng bảo vệ không gian ảnh hưởng của ông Putin được cho là quá lớn vì nó tùy thuộc vào thiện chí của các nước láng giềng trước sức hút và sự chống phá của phương Tây.  Thực tế hơn 30 năm trôi qua, thế hệ đang nắm quyền ở những quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết không có chung mục tiêu với ông Putin. “Các cuộc thảo luận của Mát-xcơ-va về phạm vi ảnh hưởng hiếm khi phù hợp với thực tế nhưng đây là giấc mơ của Tổng thống Putin nên nó tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Điện Kremlin” - Gleb Pavlovsky, cựu cố vấn hàng đầu và hiện nay là người chỉ trích ông Putin, bình luận.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết