28/05/2015 - 21:17

Gác hiềm riêng, hướng lợi chung

Thủ tướng Serbia Aleksander Vucic vừa có chuyến công du lịch sử tới Tirana, đáp lại chuyến thăm Belgrade lần đầu tiên trong vòng 68 năm qua của Thủ tướng nước láng giềng Albania Edi Rama hồi tháng 10 năm ngoái.

Mối quan hệ lạnh nhạt và nghi kỵ từ hàng thập niên trước giữa hai nước đã trở nên căng thẳng thêm trong các cuộc chiến tranh sắc tộc trong những năm 1990, mà “đỉnh điểm” là từ khi người Albania chiếm đa số tại tỉnh Kosovo đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia thành quốc gia độc lập năm 2008. Chính quyền Belgrade vẫn không công nhận sự độc lập của Kosovo, nơi họ coi là “cái nôi” của người Serbia.

Tuy nhiên, giải thích cho chuyến thăm Tirana hôm 27-5, nhà lãnh đạo Serbia tuyên bố “chúng tôi muốn mở rộng vòng tay bè bạn với nhân dân Albania”. Đáp lại, người đứng đầu chính phủ Albania khẳng định nước này không hề chủ trương cái gọi là “kế hoạch dân tộc Đại Albania” với tham vọng thống nhất tất cả các vùng lãnh thổ của người Albania ở Kosovo, Macedonia và Serbia thành một quốc gia chung. Ông Rama cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Albania đối với tiến trình đối thoại chính trị giữa Serbia và Kosovo do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.

Theo hãng tin Anh Reuters, việc giới lãnh đạo Serbia và Albania chủ động gác lại mâu thuẫn chính trị nhạy cảm cho thấy hai nước nhắm tới mục tiêu gia nhập EU. Để thuyết phục Brussels, hai ông Vucic và Rama đều đề cao vai trò then chốt của mối quan hệ Serbia và Albania đối với tương lai ổn định của cả khu vực Balkan.

Nỗ lực cải thiện quan hệ hướng tới “mái nhà chung châu Âu” của Serbia và Albania càng có ý nghĩa khi hồi đầu tháng 5 vừa qua, lực lượng an ninh Macedonia đụng độ với nhóm vũ trang gốc Albania làm 18 người thiệt mạng, bao gồm 8 sĩ quan cảnh sát, làm dấy lên lo ngại xung đột sắc tộc mới tại bán đảo này.

Thủ tướng Rama ví von “hòa bình là một gánh nặng dễ gãy đang trên đôi vai của Serbia và Albania, và nó đòi hỏi sự trợ giúp từ EU”. Có điều, EU đang đau đầu với nhiều vấn đề nội bộ phức tạp cần giải quyết, liệu đủ sức san lấp “vùng trũng” Balkan, nơi tiềm ẩn xung đột sắc tộc, kinh tế èo uột và thất nghiệp gia tăng?

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết