27/03/2020 - 11:44

G7 bất đồng về cách gọi COVID-19 

Tuy bác bỏ tình trạng nội bộ bị chia rẽ, ngoại trưởng các nước thành viên Nhóm 7 nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vẫn không thể ra tuyên bố chung do tranh cãi có nên hay không liên hệ Trung Quốc với nguồn gốc SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

 Ảnh: AP

Trước đó, cuộc họp giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 7 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada đã gần như đạt được tuyên bố chung, trong đó cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ việc làm và nền kinh tế khỏi tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Thay vì có mặt tại Pittsburgh (Mỹ) như kế hoạch, ngoại trưởng những nước này khi tham dự hội nghị trực tuyến hôm 25-3 cũng nhất trí cần có nỗ lực chung để ngăn SARS-CoV-2 lây lan.

Song, mâu thuẫn nảy sinh khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh) kiên quyết muốn đưa cụm từ “virus Vũ Hán” vào tuyên bố chung. Đây là thuật ngữ mà nhiều quan chức ở Washington dùng gần đây để mô tả SARS-CoV-2. Dự thảo tuyên bố do Mỹ soạn thảo cũng yêu cầu Trung Quốc “chịu trách nhiệm” về sự lây lan của đại dịch khiến hơn 21.000 người trên thế giới tử vong. Phủ nhận nội bộ chia rẽ, nhưng CNN cho biết bộ trưởng một số nước như Pháp, Đức và Canada đã có thông cáo riêng về hội nghị thay vì tuyên bố chung. Một nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận có nhiều bất đồng tồn tại giữa các thành viên G7 nhưng “virus Vũ Hán” là trở ngại đáng kể nhất. Theo một số quan chức, ngay cả giới khoa học cũng chưa thể khẳng định SARS-CoV-2 nguồn gốc từ Vũ Hán mà cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn. Vì vậy, ý định của Ngoại trưởng Mỹ chính là “lằn ranh đỏ” và gây chia rẽ không cần thiết giữa thời điểm cần có sự hợp tác quốc tế để làm chậm tiến trình đại dịch lây lan và đối phó tình trạng khan hiếm vật tư y tế.

Trước đó, ông Pompeo đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ này kèm theo cáo buộc Trung Quốc gây nguy hiểm cho thế giới khi che đậy tin tức dịch bệnh từ lúc phát hiện các ca nhiễm đầu tiên tại thành phố Vũ Hán và họ vẫn đang cố làm chệch hướng thông tin. Sau cuộc họp hôm 25-3, ông Pompeo trả lời báo chí lần nữa đề cập “virus Vũ Hán” khi xác định đây là chương trình nghị sự cấp bách nhất. Đại diện ngoại giao Mỹ không phủ nhận bất đồng với các nước còn lại về cách gọi SARS-CoV-2 nhưng ông cho biết tất cả cũng thừa nhận Bắc Kinh đã không minh bạch khi dịch bùng phát và tiếp tục chiến dịch tung tin sai sự thật nhằm thay đổi những gì đã diễn ra. Dẫu vậy, ông Pompeo nói rõ Washington tìm kiếm hợp tác với tất cả quốc gia trên thế giới bao gồm Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Đây cũng là chủ đề chính khi lãnh đạo Mỹ-Trung dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra trực tuyến vào ngày 26-3.

Theo các nhà phê bình, việc xác định nguồn gốc dịch bệnh dựa trên địa lý có thể thúc đẩy tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng hạn chế sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” sau khi nhận báo cáo về các vụ tấn công nhằm vào người châu Á và người Mỹ gốc Á trong nước đang tăng mạnh.

100% số ca nhiễm mới tại Trung Quốc là người từ nước ngoài

 Theo báo cáo của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tính đến cuối ngày 25-3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 67 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới và 100% ca nhiễm mới này là người từ nước ngoài tới nước này. Hiện tổng số ca nhiễm  SARS-CoV-2 từ nước ngoài tới Trung Quốc đại lục lên tới 541 người. 

NHC cho biết số ca nhiễm mới rải rác tại khu vực tỉnh thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Nội Mông, Quảng Đông,...Để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 từ những đối tượng có nguy cơ cao là người từ các nước có dịch COVID-19 tới Trung Quốc, nước này đã áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với tất cả những người này, kể cả công dân Trung Quốc. 

MAI QUYÊN (Theo AP, CNN)

Chia sẻ bài viết