 |
Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki (phải) và các ngoại trưởng Mercosur tại lễ ký FTA
ngày 20-12. Ảnh: Reuters |
Tại hội nghị thượng đỉnh của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) diễn ra tại Thủ đô Montevideo của Uruguay ngày 20 và 21-12, ngoại trưởng các nước thành viên Mercosur gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay đã cùng với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki ký Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA). Trên danh nghĩa quốc tế, đây là FTA đầu tiên của Mercosur với một vùng lãnh thổ (chưa phải là một quốc gia độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận). Nhưng trên thực tế, Mercosur đối xử với Palestine như là quốc gia độc lập, bởi tất cả các nước thành viên khối này đều đã ra tuyên bố công nhận nhà nước Palestine từ hơn một năm qua.
Thật ra, việc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cách đây không lâu đồng ý kết nạp Palestine làm thành viên cũng có thể được coi là hành động công nhận một quốc gia có chủ quyền, mở ra cơ hội để vùng lãnh thổ này được quyền nhận hỗ trợ về giáo dục, khoa học và văn hóa của cộng đồng quốc tế. Còn FTA với Mercosur, Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói rằng nó có thể mang lại hy vọng giúp nhân dân Palestine chấm dứt nỗi đau khổ và thúc đẩy thỏa thuận hòa bình với Israel.
Lâu nay, Argentina là quốc gia duy nhất thuộc Mercosur có quan hệ thương mại với Palestine. Tuy nhiên, do chính sách kiểm soát cửa khẩu hà khắc của Israel, hàng hóa của Argentina đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Palestine ngày càng giảm sút, khiến giá trị xuất khẩu từ 3,4 tỉ USD năm 2008 xuống còn 1,7 tỉ USD năm 2010. Cho dù Palestine và Mercosur sẽ gặp nhiều trắc trở trong thúc đẩy giao thương thông qua FTA do lệnh cấm từ Israel, nhưng chính Israel cũng đang thực thi FTA với Mercosur (có hiệu lực từ tháng 3-2011), nên Tel Aviv cũng không tránh khỏi sức ép chính trị từ Nam Mỹ. Trong nay mai Mercosur còn có thêm các thành viên mạnh mới là Venezuela và Ecuador, khi ấy Israel càng khó lòng ngăn cản các nước Nam Mỹ giao thương với Palestine.
Trước Mercosur, Palestine đã có FTA với Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các quốc gia A-rập, nhưng hầu hết đều là đồng minh của Mỹ nên ngại tìm cách đối kháng với Israel trong quan hệ thương mại với Palestine. Trong khi đó, Nam Mỹ nói riêng và khu vực Tây bán cầu nói chung đang nỗ lực tách khỏi ảnh hưởng và đấu tranh lợi ích với Mỹ nên sẵn sàng đối chọi với Tel Aviv. Mỹ đang là quốc gia duy nhất trong Hội đồng bảo an LHQ phản đối nghị quyết lên án Israel mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng trái phép của người Palestine, khiến vai trò của Washington trong tiến trình hòa bình Trung Đông gần như không còn.
Sau UNESCO và Mercosur, theo các nhà phân tích, làn sóng hợp tác của quốc tế với Palestine có thể sẽ càng tăng cao, tạo động lực để LHQ sớm công nhận Palestine là quốc gia thành viên theo nguyện vọng chính đáng của lãnh đạo và nhân dân Palestine.
KIẾN HÒA (Theo AP)