24/11/2011 - 09:05

Eurozone sẽ có "trái phiếu ổn định" ?

Kế hoạch phát hành “trái phiếu euro” đã làm sứt mẻ mối quan hệ mà một tháng trước còn tay bắt mặt mừng giữa ông Barroso và bà Merkel.
Ảnh: Getty Images

Chủ tịch Ủy Ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso hôm qua đã công bố các kiến nghị tăng cường sự quản lý kinh tế chung trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có kế hoạch phát hành “trái phiếu euro” chung cho cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha gọi đây là “trái phiếu ổn định” vì lãi suất của loại trái phiếu này được kỳ vọng sẽ thấp hơn nhiều so với trái phiếu chính phủ cao ngất ngưởng của nhiều nước thành viên Eurozone đang chìm ngập trong nợ nần. Tuy nhiên, đã là trái phiếu chung thì nó phải nhận được sự đảm bảo và chia sẻ trách nhiệm rủi ro lãi suất của các nền kinh tế lớn khác, điều mà nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kịch liệt phản đối.

Thủ tướng Merkel cho rằng đây không phải là thời điểm thích hợp để thảo luận vấn đề phát hành “trái phiếu euro”. Bà nhấn mạnh biện pháp này chỉ có thể được xem xét sau khi châu Âu hoàn tất các chương trình cải cách sâu rộng vì mục tiêu nâng cao hơn khả năng cạnh tranh kinh tế của mình. “Bà đầm thép” của nước Đức còn mô tả rằng cuộc khủng hoảng nợ hiện nay là một “cuộc khủng hoảng lòng tin” do những chính sách sai lầm gây ra, và rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không phải là “siêu vũ khí chống tăng” có thể được triển khai để thu gom trái phiếu công khổng lồ của Eurozone. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker mặc dù đã kêu gọi cần thảo luận ngay việc phát hành “trái phiếu euro”, nhưng nói rằng đây chỉ là giải pháp dài hạn, chứ không phải sự lựa chọn cấp bách cho cuộc khủng hoảng nợ công nóng bỏng hiện nay.

Để giải quyết tình cảnh cấp thiết chưa từng có ở khu vực, bà Merkel tuyên bố châu Âu cần tiến hành ngay việc xem xét thay đổi hiến pháp chung với trọng tâm là thống nhất chính sách tài khóa của EU. Bà từng cảnh báo với Thủ tướng David Cameron của Anh, nước thành viên EU không tham gia Eurozone, rằng nếu EU không thể thay đổi hiến pháp thì Eurozone sẽ có chính sách riêng. Ông Cameron cuối cùng đã đồng ý sửa đổi hiến pháp nhưng với điều kiện châu Âu phải xem xét khả năng trở lại quy định tuần làm việc 48 giờ, thay vì từ 35-40 giờ như hiện nay. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng tuyên bố ủng hộ cải cách hiến pháp nhằm bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho EU. Theo kế hoạch, hôm nay 24-11, ông Sarkozy sẽ đón tiếp bà Merkel và tân Thủ tướng Ý Mario Monti đến Pháp bàn cách thay đổi hiến pháp châu Âu. Chính quyền Paris lo ngại nếu không mau chóng sửa đổi hiến pháp châu Âu thì mức tín nhiệm “vàng” 3 chữ A của nước Pháp sẽ sớm “rơi đài” với hậu quả nghiêm trọng.

ĐỨC TRUNG
(Theo Guardian, Reuters và WSJ)

Kế hoạch phát hành “trái phiếu euro” đã làm sứt mẻ mối quan hệ mà một tháng trước còn tay bắt mặt mừng giữa ông

Chia sẻ bài viết