 |
Các thỏa thuận khung liên quan đến TAPI được ký kết tại Ashgabat ngày 11-12. Ảnh: AFP |
Như tin đã đưa, hôm 11-12 vừa qua, các nhà lãnh đạo của Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ đã ký hai hiệp định liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Turkmenistan tới Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ (gọi chung là đường ống dẫn khí đốt TAPI) trị giá khoảng 7,6 tỉ USD. Dự án này được đánh giá là có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, sự gắn kết và hòa bình trong khu vực, một “con đường tơ lụa mới” nối Trung Á và Nam Á.
Trong cuộc gặp tại Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, Tổng thống nước chủ nhà Gurbanguly Berdymukhammedov cùng với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari và Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Murli Deora (thay mặt Thủ tướng Manmohan Singh) đã ký Thỏa thuận liên chính phủ và Thỏa thuận trung chuyển khí đốt liên quan đến dự án xây dựng đường ống TAPI. Các thỏa thuận này sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm thống nhất các điều khoản và kế hoạch triển khai như tỷ lệ góp vốn thực hiện, giá khí đốt, phí trung chuyển, bảo đảm an ninh, cơ chế xây dựng, chọn lựa nhà thầu, mô hình kinh doanh trước khi trình lên hội nghị thượng đỉnh của 4 nước này vào tháng 1-2011.
Theo một quan chức dầu mỏ có mặt tại Ashgabat, đường ống dẫn khí đốt TAPI dài gần 1.700 km có thể được khởi công xây dựng vào năm 2012 và dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2016 với công suất vận chuyển hằng ngày lên đến 90 triệu mét khối khí đốt đạt tiêu chuẩn. Đường ống trên bắt đầu từ mỏ khí đốt Dauletabad ở miền Đông Nam Turkmenistan và kéo dài 145 km trên lãnh thổ nước này, 735 km trên vùng đất Afghanistan, 800 km trên lãnh thổ Pakistan và phần còn lại thuộc phần đất Ấn Độ.
Cần nhắc lại sáng kiến xây dựng đường ống dẫn khí đốt TAPI đã được đưa ra từ giữa những năm 1990, nhưng sau đó “bị lãng quên” vì sự bất ổn ở Afghanistan và Pakistan. Tuy nhiên, TAPI đã được tái khởi động vào năm 2005 với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về nghiên cứu tính khả thi, dù dư luận còn lo ngại vấn đề đảm bảo an ninh cho đường ống này. Hơn nữa, chính quyền Ashgabat ủng hộ TAPI trong bối cảnh lượng khí đốt xuất khẩu của Turkmenistan qua Nga bị hạn chế sau một vụ nổ làm đường ống dẫn khí hư hại nặng năm 2009 và nhất là những tranh cãi về giá mua bán khí đốt. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, xuất khẩu khí đốt hiện nay của Turkmenistan qua Nga đã giảm còn bằng ¼ và trong thời gian tới cũng chỉ sẽ tăng lên bằng ½ so với mức năm 2008, năm mà thị trường Nga chiếm tới 90% (khoảng 50-60 tỉ mét khối) lượng khí đốt xuất khẩu của Turkmenistan. Do đó, ngoài thúc đẩy TAPI, Turkmenistan còn ký thỏa thuận bán cho Trung Quốc 40 tỉ mét khối khí đốt vào năm 2013 và 20 tỉ mét khối cho Iran trong những năm tới.
Vấn đề là với kế hoạch xuất khẩu khí đốt của Turkmenistan như vậy, không ít người cho rằng nước này khó có khả năng đảm bảo nguồn cung năng lượng qua TAPI. Tổng thống Turkmenistan Berdymukhammedov tuyên bố tổng trữ lượng khí đốt của nước này khoảng 24,6 nghìn tỉ mét khối, cao hơn gấp 3 lần con số ước tính trước đây, và Turkmenistan dự kiến tăng sản lượng khai thác lên 230 tỉ mét khối/năm vào năm 2030, trong đó có 180 tỉ mét khối dành cho xuất khẩu.
PHÚC GIA AN (Theo AFP, Reuters và TTXVN)