30/08/2014 - 17:10

Đừng đùa với cường quốc hạt nhân !

Tới gặp các thanh niên Nga tham dự trại hè trên bờ hồ Seliger ở ngoại ô Thủ đô Mát-xcơ-va hôm 29-8, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định quân đội Nga hiện nay không dính líu đến bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào, hàm ý bác bỏ các cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang đưa quân và trang thiết bị quân sự hạng nặng trực chiến cùng lực lượng đòi liên bang hóa tại miền Đông Ukraina.

“Chúng ta không muốn và không có kế hoạch đó. Nhưng lẽ tất nhiên, chúng ta phải luôn sẵn sàng đẩy lùi mọi cuộc xâm lăng nhằm vào Nga. Các đối tác của Nga nên hiểu rằng tốt nhất đừng đùa với chúng tôi. Nhờ Chúa, tôi nghĩ không ai tính đến việc gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn với nước Nga. Tôi muốn nhắc lại cho các bạn biết rằng Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu”- ông Putin nhấn mạnh.

Ngược lại, ông tố cáo “lực lượng quân đội thô bạo” gồm máy bay, xe tăng và pháo binh của Chính phủ Ukraina đang trực tiếp tấn công vào khu dân cư, phá hủy cơ sở hạ tầng của các ngôi làng nhỏ, thành phố lớn đang bị bao vây ở nước mình. “Hành động đau xót này khiến tôi nhớ lại các sự kiện thời Thế chiến thứ hai, khi quân chiếm đóng phát-xít Đức vây hãm các thành phố của chúng ta. Nếu theo các giá trị hiện thời của châu Âu, tôi thật thất vọng ở mức độ cao nhất”- ông chủ Điện Kremlin so sánh. Cũng theo ông Putin, cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước láng giềng là một thảm họa chung cho cả “một dân tộc” một thời giữa Nga và Ukraina.

Những lời lẽ “đanh thép” trên của Tổng thống Putin được hãng tin Reuters và tờ Telegraph trích dẫn không rõ đầu đuôi bài phát biểu và trả lời chất vấn của ông trước giới trẻ Nga ra sao. Nhưng Telegraph đặc biệt cho rằng nhà lãnh đạo Nga muốn cảnh báo về bóng ma chiến tranh hạt nhân với phương Tây, giữa lúc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cáo buộc quân đội Nga trực tiếp nhảy vào chiến trường Đông Ukraina. Đây được coi là ngôn từ cứng rắn nhất của giới chóp bu Nga, bởi ngay cả cao điểm thù địch trong Chiến tranh lạnh, lãnh đạo Điện Kremlin cũng không trực tiếp đem chuyện kho vũ khí hạt nhân của nước nhà ra dọa phương Tây.

Tuy nhiên, người ta có thể hiểu thông điệp hạt nhân của ông Putin là lời cảnh báo khả năng phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina và thậm chí kết nạp quốc gia Đông Âu này vào NATO theo yêu cầu của chính quyền Kiev. Ukraina chưa đạt chuẩn về chất lượng quân đội, an ninh lãnh thổ và các vấn đề nhân quyền nên không được nhiều nước thành viên chấp nhận. Nhưng Reuters nhắc lại là năm 2008, khi NATO từ chối đẩy nhanh tiến trình kết nạp Gruzia thì vài tháng sau quân đội Nga xâm phạm nước này. Tổng thư ký sắp mãn nhiệm Anders Rasmussen không ngần ngại tuyên bố ông ủng hộ “vô tư lự” cho Ukraina.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cũng đang tích cực vận động sự hậu thuẫn tối đa của phương Tây khi tiếp tục sang tham dự hai hội nghị thượng định của EU từ ngày 30-8 tại Brussels (Bỉ) và của NATO tại xứ Wales trong hai ngày 4 và 5-9. Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gởi thông điệp mạnh mẽ tới ông Putin khi tới thăm Estonia và qua dự hội nghị NATO. Có điều, trong bối cảnh mà ngay cả dư luận cũng đang nghi ngờ vai trò tổng tư lệnh và lãnh đạo siêu cường thế giới của ông Obama về vấn đề phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syrie, thì Ukraina khó trông đợi gì ở cam kết thực tế từ nước Mỹ.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết