04/10/2008 - 09:38

Ngăn chặn ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL

Đừng để quá muộn !

“Phát triển bền vững” là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bởi nhiều địa phương đã trả giá quá đắt do việc xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Cùng với cả nước, kinh tế ĐBSCL đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nhưng mặt trái của nó là “môi trường bị xuống cấp”, nhiều nơi đã đến mức báo động! Giải pháp nào để ngăn chặn ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở ĐBSCL - đừng để quá muộn, đó là nội dung được đưa ra trong Hội thảo khoa học “BVMT ở ĐBSCL trong quá trình CNH, HĐH” tại TP Cần Thơ ngày 30-9 vừa qua.

BÁO ĐỘNG ÔNMT Ở ĐBSCL

PGS. TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chủ trì hội thảo, cho biết: Chính việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) của các tỉnh, thành ĐBSCL, cùng với xu thế bùng phát từ nuôi trồng, chế biến thủy sản chưa theo quy hoạch tổng thể; vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp và áp lực gia tăng dân số nhanh đã làm cho tình trạng ô nhiễm, đặc biệt là ÔNMT nước hết sức nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ, tại TP Cần Thơ, nước ở sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng (Phước Thới, Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò Ót (Thới Thuận, Thốt Nốt) ô nhiễm cấp độ 4. Tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nồng độ NH3 vào mùa khô cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép. Tại Long An, với các KCN, CCN hiện có, mỗi ngày dự tính thải ra môi trường khoảng 363 tấn rác công nghiệp và 151.000m3 nước thải công ngiệp...

Còn theo số liệu của các nhà khoa học, tại ĐBSCL, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi năm là 606.267 tấn, nước thải sinh hoạt 102 triệu m3/năm, nước thải công nghiệp 47,2 triệu m3/năm, chất thải rắn công nghiệp 222.032 tấn/năm, rác thải y tế 3.800 tấn/năm...

 Nhiều con rạch trong nội ô TP Cần  Thơ ô nhiễm nặng do chất thải sinh hoạt và một số doanh nghiệp sản xuất nằm trong nội ô thải ra. (Ảnh chụp tại rạch Tham Tướng). Ảnh: ANH KHOA

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: phát triển các KCN, CCN ở ĐBSCL đang có chiều hướng tự phát, manh mún, cơ sở hạ tầng không đồng bộ. “Chúng ta còn quá dễ dãi trong việc cấp phép xây dựng KCN, CCN - đó là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, riêng nuôi tôm làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, lượng ao, đầm được đào đắp, nạo vét phá vỡ kết cấu tự nhiên, động đến tầng đất phèn, cùng hàng loạt chất độc hại như kim loại nặng, các loại kháng sinh, ô nhiễm gây mùi khó chịu được nạo vét đưa lên từ đáy ao nuôi, làm cho không một loại cây trồng nào có thể sinh trưởng và phát triển được. Phong trào nuôi cá tra tự phát ở nhiều địa phương ĐBSCL gần đây đã làm cho nhiều nơi từ chuyên trồng lúa, nhiều khu vực cồn trở thành ao đầm nuôi cá, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, lãng phí tài nguyên đất đai...

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học và quản lý môi trường đều phát đi lời cảnh báo ô nhiễm không chỉ hủy hoại môi trường mà hiện đang làm nảy sinh nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo, làm dị tật và biến dạng bào thai của không ít bà mẹ trẻ. Vì vậy, ngăn chặn tình trạng ÔNMT vùng ĐBSCL nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung hiện đang là vấn đề bức thiết.

NÊN XEM XÉT LẠI
LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Chúng ta không thể thỏa hiệp, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường. Các địa phương phải thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, cương quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, dự án gây ÔNMT”. Ông Hải Đăng, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phát triển Thương hiệu Việt, thẳng thắn: “Hơn ai hết, người tiêu dùng phải mạnh dạn “tẩy chay” những thương hiệu “đen” - sản phẩm được sản xuất ra từ các công ty gây ÔNMT. Khi ấy, tự khắc nhà đầu tư phải tìm cách bảo vệ thương hiệu mình”.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu xã hội TP Hồ Chí Minh, “vừa phát triển nhanh vừa bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường là điều không tưởng”. Bởi hầu hết các doanh nghiệp ở nước ngoài đến đầu tư vào Việt Nam (chưa kể doanh nghiệp trong nước), họ mang đến công nghệ lạc hậu để đầu tư. Điều này sẽ thu lợi nhuận cao hơn, bởi nếu đầu tư công nghệ hoàn thiện, đúng bài bản thì chi phí xử lý nước thải, chất thải rất lớn sẽ làm giảm lợi nhuận; còn nếu bắt buộc gắt gao, họ sẽ không đầu tư. Nhưng thừa nhận rằng không có một công nghệ nào có thể đảm bảo 100% nước thải, rác thải không gây ÔNMT.

Chính điều này, nhiều ý kiến của giới khoa học cho rằng, không nhất thiết có nhiều KCN, CCN thì ĐBSCL mới phát triển, mà cần xác định lại điểm mạnh, điểm yếu so với các vùng miền khác để phát huy thế mạnh, tránh phát triển rập khuôn. ĐBSCL được xác định là vùng nông nghiệp trọng điểm, là “vựa lúa của cả nước”, còn miền Đông Nam bộ là vùng sản xuất công nghiệp, là nơi “ngự trị” của các nhà máy, xí nghiệp. “Cách nay không lâu, nhiều ý kiến cho rằng ĐBSCL phải phát triển công nghiệp mới thoát nghèo được. Nhưng thế mạnh của vùng là nông nghiệp, là cây lúa, tại sao không đầu tư phát triển đúng mức (chỉ đầu tư công nghiệp ở mức vừa phải); ngành công nghiệp nên dành cho miền Đông. Bởi nếu sản lượng lúa của ĐBSCL có phát huy hết công suất, cũng chỉ đáp ứng cho một phần nhỏ cho các quốc gia châu phi...” - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu xã hội TP Hồ Chí Minh, phân tích.

Khi xác định được thế mạnh này, theo đó các địa phương ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ sinh học và ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến nông, thủy sản đi kèm với qui mô phù hợp và ít gây ÔNMT... Đồng thời, khuyến khích nông dân sản xuất và dùng phân hữu cơ sinh học cũng là một trong những biện pháp hạn chế ÔNMT từ sản xuất nông nghiệp. Tác dụng phân hữu cơ sinh học chậm, song đất ngày càng tơi xốp và màu mỡ hơn. Ở những sông, rạch, ao, hồ....bị ô nhiễm, cần trồng một số loài cây, cỏ có tác dụng làm sạch nước như: bèo tây, điên điển, rau ngổ trâu, rau dừa, rau mác...

Còn trước mắt, để giải quyết các vấn đề ÔNMT vùng ĐBSCL, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Các bộ, ngành Trung ương phải kịp thời quy hoạch BVMT vùng ĐBSCL và lồng ghép cùng lúc với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các KCN, quy hoạch vùng thủy sản ven sông Hậu, sông Tiền. Đồng thời, các địa phương trong khu vực cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc BVMT tại các lưu vực sông lớn chảy qua”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên ví von rằng, miền Đông ÔNMT đã lút tới “đầu gối”, ĐBSCL cũng đã tới “mắt cá” rồi! Nếu không kịp thời ngăn chặn và chuyển đổi phát triển cho phù hợp, thì không bao lâu nữa vùng châu thổ đồng bằng này cũng sẽ sa vào vũng lầy ÔNMT. Đồng thời khẳng định, không thể có giải pháp nào để ngăn chặn được nạn ÔNMT, và cũng không thể kiểm tra, thanh tra xử lý hết các nhà máy, xí nghiệp vi phạm ÔNMT. Chỉ có cách “nhường” cho những vùng có thế mạnh hơn về phát triển công nghiệp để họ đầu tư phát triển tập trung hơn, thì mới có thể hy vọng môi trường của ĐBSCL trong tương lai trong sạch hơn...

Một nhà khoa học nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Muốn làm cái gì phải hỏi dân?”. Tại sao hàng trăm năm qua cha ông ta canh tác trên vùng ĐBSCL mà đất đai vẫn màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên vẫn dồi dào, kinh nghiệm của họ là gì? Câu nói đọng lại sâu nhất trong hội thảo này là: “Đi tắt đón đầu” trong giai đoạn này chính là sản xuất những gì thuộc thế mạnh của vùng, nên quay lại tập quán sản xuất của ông bà xưa, thì mới có thể tránh được tình trạng ÔNMT trong tương lai. Đương nhiên, nói điều này sẽ “đụng” phải những chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu xã hội TP Hồ Chí Minh, không có cách nào khác nếu muốn tránh vấn nạn ÔNMT trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ĐBSCL.

DUYÊN KHÁNH - AN KHÁNH

KHU CÔNG NGHIỆP VÀ CỤM CÔNG NGHIỆP
Ở ĐBSCL

Tính đến năm 2007 có 151 KCN, CCN gồm 1.029 triệu USD (FDI) và 15.820 tỉ đồng Việt Nam (60.000 lao động làm việc). Đến năm 2010, dự kiến diện tích KCN, CCN là 31.500 ha và năm 2020 sẽ là 50.000 ha.

Ưu điểm: Phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất mới, hiện đại và có giá trị lớn. Nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Nâng cao tay nghề cho người lao động... Mở rộng thị trường cho sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu. Giải quyết việc và nâng cao đời sống cho người lao động. Tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh CNH và HĐH...

Nhược điểm: Vấn đề BVMT trở nên hết sức bức xúc, ÔNMT tiếp tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn. BVMT đối với KCN, CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trở nên cấp bách. Nước thải sản xuất công nghiệp 47,2 triệu m3/năm. Chất thải rắn công nghiệp 222.000tấn/năm. Một số doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường, đầu tư không đạt tiêu chuẩn môi trường. Chương trình quan trắc, giám sát chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu theo quyết định được phê duyệt...

(Nguồn: Chi cục BVMT-KV Tây Nam bộ)

Chia sẻ bài viết