14/09/2015 - 21:28

Đức tái kiểm soát biên giới, châu Âu họp khẩn về khủng hoảng di cư

Hôm 14-9, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ tiến hành cuộc họp khẩn cấp giữa các Bộ trưởng Nội vụ nhằm thảo luận đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về hạn ngạch tiếp nhận khoảng 160.000 người tị nạn.

Trong một tuyên bố, EC khẳng định châu Âu cần đẩy nhanh tiến độ tham khảo ý kiến về biện pháp giải quyết trong bối cảnh hàng chục ngàn người chạy trốn chiến tranh, đói nghèo ở Syria và một số quốc gia Trung Đông, châu Á và châu Phi tiếp tục tiến về "lục địa già". Trong cuộc gặp giữa các phái viên EU tối hôm 13-9 tại Thủ đô Brussels (Bỉ), bế tắc vẫn chưa được tháo gỡ khi các nước Đông Âu tiếp tục từ chối hạn ngạch bắt buộc về người tị nạn dù Liên Hiệp Quốc lên tiếng ủng hộ đối với kế hoạch phân bổ 160.000 di dân trong khối.

Cảnh sát kiểm tra một người tị nạn Syria sau thông báo kiểm soát biên giới với Áo hôm 13-9. Ảnh: AFP

Cuộc họp EU diễn ra một ngày sau khi Đức công bố kế hoạch kiểm soát biên giới với Áo. Berlin cho biết các biện pháp kiểm soát tạm thời đầu tiên sẽ được áp dụng tại biên giới giáp Áo ở phía Nam. Theo đó, tất cả tuyến xe lửa giữa hai nước đã bị đình chỉ vào lúc 17h (giờ địa phương) và hàng trăm cảnh sát cũng được triển khai bảo đảm an ninh khu vực biên giới. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere, đây là giải pháp "an ninh cần thiết" nhằm hạn chế dòng người tràn sang Đức cũng như quay trở lại quy trình nhập cảnh có trật tự. Ông Maiziere nhấn mạnh Berlin phản ứng trên tinh thần nhân đạo nhưng người tị nạn "không thể lựa chọn" quốc gia muốn định cư. Maiziere cũng yêu cầu các nước EU san sẻ gánh nặng khi dòng người đổ về không ngừng gia tăng.

Được biết sau quyết định của Đức, Cộng hòa Czech cũng thông báo áp đặt biện pháp tương tự trên biên giới với Áo. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Hungary Viktor Orban Hungary hoan nghênh quyết định của Berlin như động thái "cần thiết" bảo vệ giá trị châu Âu trước làn sóng di cư kỷ lục. Ông Orban cho đây chỉ là bước đầu tiên, châu Âu cần đoàn kết bảo vệ biên giới ở Hy Lạp càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên theo giới phân tích, tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Đức Maiziere sẽ giúp Đức tăng áp lực lên các nước châu Âu khác. Việc ông Maiziere nêu rõ Berlin "trước hết" kiểm soát biên giới với Áo mang ý nghĩa cảnh báo những quốc gia EU nếu không hành động, Đức có thể tiếp tục kiểm soát biên giới với những nước khác. Còn đối với di dân, thông báo trên có nghĩa Đức không theo đuổi chính sách mở cửa. Sau nhiều tuần hỗn loạn, Berlin hiện đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Hiệp ước Dublin vẫn còn hiệu lực, nghĩa là di dân phải xin tị nạn ở quốc gia EU đầu tiên mà họ đến. Sau đó, họ sẽ được gửi sang những nước châu Âu khác theo hệ thống hạn ngạch nghiêm ngặt.

Giữa lúc chính phủ các nước vẫn đang tranh cãi về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn, hàng ngàn người dân châu Âu đã trực tiếp bày tỏ sự tức giận của họ đối với phản ứng được cho là "không thực tế" của EU thông qua các cuộc biểu tình đang lan rộng trên khắp cựu lục địa. Theo Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR) Richard Haass, tình thế tiến thoái lưỡng nan và cách mà châu Âu phản ứng trước khủng hoảng càng thúc đẩy dòng người di cư đổ về.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng di cư dường như chưa thật sự tác động đến Mỹ so với các nước đồng minh, ngoại trừ thỏa thuận có thể tiếp nhận thêm nhiều người tị nạn. Vì vậy, tờ Washington Times cho rằng Mỹ và đặc biệt là Tổng thống nước này phải chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn nữa đối với tình hình hiện nay. Trong khi đó, tờ USA Today cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn dòng người tị nạn là chấm dứt chiến tranh ở Syria – căn nguyên của cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phát biểu với BBC, trưởng đại diện Mỹ trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) - Tướng John Allen cũng thừa nhận kết thúc cuộc chiến tại Syria là giải pháp cấp thiết nhất. Nhưng đây không phải vấn đề một sớm một chiều, vì vậy, biện pháp khả thi là quản lý cuộc khủng hoảng ở mức tốt nhất có thể. Theo đó, Mỹ cần phải chung tay với đồng minh châu Âu gánh phần trách nhiệm nhân đạo lớn hơn nữa.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết