21/12/2017 - 15:13

Du học sinh khó tìm việc ở Trung Quốc 

Calvin Ho, một sinh viên Indonesia rất hào hứng trong việc tìm hiểu về Trung Quốc, do đó hồi năm ngoái đã nộp đơn vào học ngành thạc sĩ quan hệ quốc tế kéo dài 2 năm tại Trường Đại học Thanh Hoa.

Calvin cho biết cảm thấy rất hài lòng khi theo học tại Đại học Thanh Hoa. Trong thời gian học tập tại đây, anh đã giành nhiều huy chương trong các cuộc thi chạy marathon ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Calvin nói rằng anh không biết sẽ làm việc gì sau khi tốt nghiệp vào mùa hè năm sau. “Tôi  thực sự muốn làm việc ở Trung Quốc để có thể áp dụng những gì mà tôi đã học, nhưng tôi thấy một số bạn khóa trước không có được việc làm và phải trở về nước. Nhiều hội chợ việc làm được tổ chức tại trường nhưng tất cả đều bằng tiếng Hoa” -  Calvin bày tỏ.

Người tìm việc tham dự hội chợ việc làm tại Đại học Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) hồi tháng 11. Ảnh: SCMP

Các trường đại học Trung Quốc ngày càng được sinh viên quốc tế “chuộng”. Một thống kê mới đây cho thấy, số du học sinh theo học tại Trung Quốc đã tăng mạnh, từ con số 52.150 người hồi năm 2000 lên  442.000 người vào năm ngoái. Trong đó, hơn một nửa đến từ các quốc gia châu Á, tiếp theo là châu Phi.

Một khảo sát do Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh thực hiện hồi năm 2001 cho thấy, 1/3 sinh viên nước ngoài muốn ở lại Trung Quốc làm việc. Trong khi đó, một nghiên cứu về sinh viên quốc tế tại Đại học Bắc Kinh vào năm 2009 phát hiện, 82,7% du học sinh đến Trung Quốc học tập là vì họ muốn có một việc làm liên quan đến Trung Quốc. Còn một hội chợ việc làm dành cho sinh viên quốc tế do Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức hồi năm ngoái nhận thấy rằng 95% trong số họ muốn có một công việc ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế thật “phũ phàng” khi chỉ có 235.000 người nước ngoài được cấp phép lao động tại Trung Quốc hồi năm ngoái, thấp hơn nhiều số sinh viên nước ngoài đang theo học tại đây. “Nhiều sinh viên ngoại quốc muốn ở lại Trung Quốc làm việc nhưng không thể. Nếu một người nước ngoài tốt nghiệp một khóa ngôn ngữ hoặc có bằng cử nhân mà muốn ở lại Trung Quốc để tìm việc làm, họ không thể có được giấy phép lao động” - Eric Liu, chuyên gia tư vấn tại cơ quan tuyển dụng lao động nước ngoài Foreign HR, nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công. Theo ông Liu, sinh viên quốc tế cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp trước khi nộp đơn xin giấy phép lao động – một ngưỡng được cho là rất cao.

Song, “chuẩn” trên đã được nới lỏng một chút hồi đầu năm nay khi Bộ Giáo dục và Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc cho phép sinh viên từ các “trường đại học xuất sắc” làm việc tại đây mà không cần có kinh nghiệm làm việc. Dẫu vậy, ngay cả những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu và có thừa kinh nghiệm làm việc vẫn khó có thể tìm được một công việc phù hợp.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết