26/02/2021 - 21:21

Động thái quân sự đầu tiên của ông Biden 

Trong động thái quân sự đầu tiên, Tổng thống Joe Biden hôm 25-2 đã chỉ đạo thực hiện vụ không kích trả đũa nhắm vào nhóm dân quân Syria thân Iran sau khi nhiều cơ sở của Mỹ và lực lượng do nước này dẫn đầu ở Iraq bị nã tên lửa dồn dập trong các đợt tấn công gần đây.

 Ảnh: Reuters​

Xác nhận thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng John Kirby (ảnh) cho biết cuộc không kích đã phá hủy hàng loạt cấu trúc hạ tầng nằm dưới sự kiểm soát của một số nhóm chiến binh do Iran hậu thuẫn. Ông Kirby không nêu cụ thể thiệt hại về nhân mạng, nhưng thông tin từ Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở tại Anh) cho biết ít nhất 17 tay súng bị tiêu diệt trong đợt tấn công của Lầu Năm Góc.

Nói trong điều kiện giấu tên, một quan chức tiết lộ mục đích chính quyền Biden tiến hành không kích ở Syria là để gửi thông điệp về hành động trừng phạt của Washington đối với các lực lượng thân Iran sau khi cơ sở Mỹ tại Iraq liên tiếp bị nhắm mục tiêu. Hôm 22-2, một loạt tên lửa đã nhắm vào khu vực Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, nơi đặt trụ sở của Ðại sứ quán Mỹ và nhiều nước khác. Ðây là cuộc tấn công thứ 3 nhắm đến các cơ sở ngoại giao, quân sự hoặc thương mại của các nước phương Tây trên khắp Iraq chỉ trong một tuần. Trước đó, vụ tấn công bằng rocket nhằm vào một sân bay ở thành phố Erbil đã khiến một nhân viên dân sự làm việc cho Mỹ thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Tuyên bố hôm 25-2 của ông Kirby khẳng định, Tổng thống Biden sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ lực lượng Mỹ và liên quân. Nhưng điều này không phản ánh Nhà Trắng mở rộng sự can dự của quân đội ở quốc gia Trung Ðông bởi theo đại diện Lầu Năm Góc, hành động của Washington là có tính toán và được thực hiện song song các biện pháp ngoại giao, bao gồm tham vấn với các đối tác liên minh để tránh nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột lớn trong khu vực.

Về mặt chính trị, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về vấn đề Trung Ðông Mick Mulroy cho rằng ông Biden hạn chế quy mô tấn công còn vì tránh gây ra các vấn đề cho Chính phủ Iraq vốn được xem là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ðược biết, lực lượng Mỹ tại đây đã cắt giảm xuống còn 2.500 quân và không tiếp tục cùng lực lượng nước sở tại tham gia các chiến dịch triệt tiêu IS.

Về mặt ngoại giao, giới quan sát hiện không rõ cuộc không kích này có ảnh hưởng khả năng đàm phán giữa Mỹ với Iran hay không khi cả hai đang tìm cách quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Trước đó, chính quyền Biden không đổ lỗi cho bất kỳ tổ chức hay lực lượng nào trong khu vực về các vụ tấn công bằng tên lửa. Tuy vậy, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cùng đại diện Bộ Ngoại giao Ned Price hôm 22-2 cùng cho biết Washington có thể quy trách nhiệm cho Iran về các hành động của lực lượng ủy nhiệm thân Tehran nhắm tới công dân Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết