14/08/2022 - 12:14

Đông Á chạy đua tàu khu trục

Hồi cuối tháng 7, Hải quân Hàn Quốc đã hạ thủy một tàu khu trục nặng 8.200 tấn, được trang bị vũ khí đánh chặn tên lửa và khả năng chống tàu ngầm mạnh mẽ.

Con tàu Jeongjo The Great (Jeongjo Ðại đế), được đặt theo tên của một vị vua có tầm nhìn xa của triều đại Joseon (1392-1910), có chiều dài 170m, chiều rộng 21m, được trang bị chức năng tránh radar và hệ thống chiến đấu Aegis mới nhất không những có khả năng phát hiện và theo dõi mà còn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Tàu cũng được trang bị tên lửa đạn đạo dẫn đường hạm đối đất và tên lửa dẫn đường hạm đối không tầm xa cũng như hệ thống thủy âm tối tân có thể nhắm vào các loại tàu ngầm, vũ khí dưới nước như ngư lôi. Tàu dự kiến đưa vào biên chế tháng 11-2024 với khả năng chở một số loại trực thăng, bao gồm trực thăng MH-60R Sea Hawk mà Hàn Quốc dự định ra mắt trong cùng năm.

Jeongjo The Great là tàu khu trục đầu tiên được chế tạo trong chương trình KDX III Batch-II đặt mục tiêu sở hữu 3 tàu khu trục công nghệ cao trong thập niên này. Hải quân Hàn Quốc hiện có 3 tàu khu trục thuộc chương trình Batch-I và đang có kế hoạch xây dựng 3 chiếc nữa thuộc chương trình Batch-III.

Cần biết rằng tàu khu trục đầu tiên thuộc chương trình Batch-I của Hàn Quốc được đưa vào sử dụng năm 2008 và cũng có tên là Jeongjo The Great. Với độ choán nước 10.500 tấn, tàu khu trục được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ khi đó là loại lớn nhất châu Á. Nó cũng được xem là mạnh nhất thế giới vì được trang bị 128 hệ thống phóng tên lửa thắng đứng, nhiều hơn bất kỳ con tàu chiến nào khác trên thế giới. Phiên bản mới của Jeongjo The Great vừa được hạ thủy nhẹ hơn và chỉ trang bị 88 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, nhưng các hệ thống này được cải tiến phục vụ cho các loại tên lửa hiện đại hơn.

Trong khi đó, giai đoạn 2017-2020, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào sử dụng ít nhất 8 tàu khu trục Type 055 thế hệ mới nặng 12.000 tấn. Tàu khu trục này được coi là mạnh nhất châu Á do được trang bị 112 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng với các tên lửa đa dạng như tên lửa chống tàu ngầm, tàu chiến và cả chống tên lửa.

Trong 2 năm qua, Nhật Bản cũng đã đưa vào biên chế 2 tàu khu trục tiên tiến lớp Maya có tải trọng 10.000 tấn, cùng nâng cấp 2 tàu khu trục trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay có thể mang theo tiêm kích tàng hình F-35.

Hồi đầu năm 2021, chính quyền Seoul đã đưa ra kế hoạch chi tiết đóng tàu sân bay hạng nhẹ, từ ít nhất 30.000 đến 45.000 tấn với khả năng chở tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống mới là ông Yoon Suk-yeol cho rằng chi phí đóng tàu và các thiết bị vũ khí rất tốn kém nên chính quyền của ông đang xem xét hủy bỏ, thay vào đó là đầu tư hệ thống vũ khí mới tăng cường khả năng răn đe tấn công phủ đầu trước sự gây hấn ngày càng gia tăng của Triều Tiên.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết