Tại ngân hàng rác thải Wijaya Kusuma ở thành phố Bắc Jakarta, Indonesia, 70kg lon nhôm rỗng được định giá tương đương 1g vàng. Ngân hàng ra đời với nhiệm vụ đơn giản là khuyến khích người dân địa phương tái chế và giảm rác thải.

Ảnh: CNN
Chương trình này được phát động tại vùng Bermis Gading hồi tháng 1-2018 và hiện nay chấp nhận các loại rác có thể tái chế khác như thùng giấy carton và chai nhựa. Sau khi người dân “ký gửi” rác tại đây, ngân hàng sẽ làm sạch và bán chúng cho chính quyền thành phố. Hồi tháng 4 vừa qua, cửa hàng cầm đồ PT Pegadaian đã hợp tác với Wijaya Kusuma và 4 ngân hàng rác thải khác tại thủ đô Jakarta bằng cách thưởng vàng cho những người tặng rác tái chế. Theo người đứng đầu cơ quan môi trường thành phố, trước khi bắt tay với PT Pegadaian, ngân hàng Wijaya Kusuma chỉ có khoảng 34-36 khách hàng, nhưng từ khi hợp tác, con số này đã nhảy lên 105. Một cụ bà 67 tuổi cho biết đã gom đủ lượng rác tái chế để nhận hơn 10g vàng.
Ngoài Jakarta, các ngân hàng tương tự cũng được thành lập ở nhiều thành phố khác của quốc gia có hơn 13.000 hòn đảo này như Palembang, Bandar Lampung và Makassar. Wijaya Kusuma đang được quản lý bởi hai bà nội trợ. Khi người dân mang rác đến, các nhân viên sẽ cân trọng lượng rác và ghi vào sổ tiết kiệm cũng như hệ thống của ngân hàng. Đối với những người không có thời gian mang rác đi đổi, cứ 2 tuần một lần, ngân hàng sẽ điều xe thu gom rác đến tận nơi (ảnh). Tùy thuộc vào số lượng và loại rác, khách hàng sẽ nhận tiền tương ứng từ các nhân viên. Chẳng hạn, 1kg thùng giấy carton đổi được 1.200 rupiah (gần 2.000 VNĐ), trong khi 1kg chai nhựa sạch là 3.000 rupiah. Lon nhôm có giá trị nhất bởi mỗi kg giúp bà nội trợ kiếm thêm 10.000 rupiah. Còn nếu muốn có vàng, người dân sẽ phải nộp tiền đổi rác cho nhân viên cửa hàng cầm đồ tại chỗ. Khi tích góp đủ để có 5g vàng dựa trên giá trị thị trường, họ có thể đến cửa hiệu cầm đồ để nhận vàng. 1g vàng ở Indonesia hiện có giá khoảng 700.000 rupiah.
Vàng có được từ việc bán rác, người dân có thể dùng để mua hàng tại PT Pegadaian. Như vậy, hợp tác với ngân hàng cũng có lợi về mặt kinh doanh cho cửa hàng cầm đồ. Không chỉ các bà nội trợ, nhiều người đàn ông và các nhân viên văn phòng cũng bị cuốn hút bởi chương trình hấp dẫn này.
Theo Budi Winarko, một trong những nhà sáng lập ngân hàng Wijaya Kusuma, thật ra phần thưởng dành cho người ký gửi rác tái chế không có giá trị tài chính lớn, song điều quan trọng là giúp người dân tại khu vực có 360 hộ gia đình này nâng cao nhận thức về môi trường. “Mục tiêu trước mắt là có thêm nhiều khách hàng giao dịch, nhưng mục tiêu lâu dài là không rác thải”- ông Winarko chia sẻ.
Ý tưởng đổi rác lấy vàng được các nhà hoạt động môi trường ca ngợi là một bước đi nhỏ hướng đến việc tạo ra nhận thức xanh tại Indonesia- quốc gia 270 triệu dân và có lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Các ngân hàng nói trên hứa hẹn thúc đẩy nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác, điều không phổ biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
Tháng rồi, diễn viên điện ảnh Hollywood Leonardo DiCaprio đã đăng lên Instagram một bức ảnh về cái gọi là bãi rác lớn nhất thế giới Bantargebang, nằm cách Jakarta gần 20km. Được biết, mỗi ngày có 6.500-7.000 tấn rác được đưa về đây.
HẠNH NGUYÊN (Theo CNA)