12/10/2008 - 08:39

Đội quân “eco-kids”

 “Eco-kid” 9 tuổi trong ảnh đang thu gom phế liệu để tái chế. 

Đôi lúc Jennifer Ross nghĩ rằng mình sẽ chẳng làm được trò trống gì cho môi trường nếu không có sự nhắc nhở của hai cô “công chúa” Grace, 10 tuổi, và Eliza, 7 tuổi. Chiếc ô tô cô đang chạy bị hai đứa nhỏ “chê” là “gây ô nhiễm trắng trợn”, thói quen tắm trước khi ngủ để đầu óc thư giãn của cô bị “phê” là “thú vui lãng phí”, rồi “túi xách đi siêu thị sao mẹ cứ quên không dùng lại” v.v... “Bọn trẻ nhà tôi rất có ý thức về việc bảo vệ môi trường, chúng khiến nhiều lúc tôi phải phát ngượng”, Ross, nhân viên công tác xã hội ở New York, tâm sự. “Chúng thúc giục tôi đổi sang dùng xe lai chạy bằng xăng kết hợp với điện (để hạn chế ô nhiễm môi trường). Hai đứa còn muốn tôi thay tất cả bóng đèn dây tóc trong nhà bằng bóng đèn huỳnh quang tiết kiệm năng lượng”.

Hai con của Ross là đại diện của cái mà các chuyên gia môi trường gọi là đội quân “eco-kids” (tạm dịch những đứa trẻ biết bảo vệ môi trường) đang ngày càng lớn mạnh ở Mỹ. Sau khi thấm nhuần ý thức bảo vệ môi trường trong trường học, ở nhà thờ, qua hoạt động hướng đạo và thậm chí qua sách báo, phim ảnh, đội quân “eco-kids” này đang cố gắng tác động nhằm giúp cha mẹ chúng ở nhà sống tiết kiệm và có trách nhiệm hơn với môi trường.

Xen lẫn niềm tự hào về ý thức sống vì môi trường của các con, phụ huynh nhiều lúc có cảm giác mình chẳng khác nào là “tội phạm chai mặt”, còn đám trẻ y như là “cảnh sát môi trường” lúc nào cũng để mắt dò xét. Chúng xăm xoi thùng rác để tìm phế liệu có thể tái chế mà bố mẹ “quên” bỏ đi. Chúng thuyết phục người lớn lắp hệ thống điện Mặt trời hay nhanh tay tắt đèn khi thấy cha mẹ mở đèn sáng trưng trong phòng không có người.

Vợ chồng giáo sư Mark Goetz ở quận Brooklyn, có lần giật mình vì bị cậu con trai 4 tuổi “chỉnh”, khi cậu ta thấy bố mẹ để vòi nước chảy trong lúc đánh răng. “Cháu bước lại khóa vòi nước và nói mọi ngày đều là Ngày vì Trái đất bố mẹ ạ”, Mark kể. “Cháu học được điều đó ở trường”. Còn cô con gái lớn Elly 12 tuổi của ông, thì một mực phản đối việc bố mẹ định đổi xe lớn hơn, vì “xe lớn hơn không những không tiết kiệm nhiên liệu mà còn gây ô nhiễm hơn”. Bị thuyết phục bởi lý lẽ này nên gia đình Mark quyết định tiếp tục dùng chiếc xe hiện tại.

Bọn trẻ như Elly hay hai con của Ross học cách bảo vệ môi trường như thế từ khắp nơi. Mùa hè vừa qua, bộ phim thiếu nhi “Wall-E” của hãng Pixar kể về con robot mắt to đi khắp vũ trụ để tìm cho mình một căn nhà thân thiện với môi trường. Gần đây, Girl Scouts (tổ chức chuyên về các hoạt động huấn luyện tư cách công dân và phát triển tính cách cho thiếu nữ và bé gái ở Mỹ) tổ chức các chương trình “Sức khỏe môi trường”, “Giọt nước”, “Hiệp ước Trái đất”, “Sống cùng với đất”. Hay như Scholastic, công ty truyền thông, giáo dục và xuất bản các ấn phẩm dành cho trẻ em toàn cầu đã bắt tay với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ lập các trang web và ra tạp chí nói về hiện tượng biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường. Diễn đàn trực tuyến “Save the Planet” (Cứu Hành tinh) của Scholastic, nơi trẻ em trao đổi các bí quyết sống thân thiện với môi trường, năm ngoái đến nay đã thu hút 3 triệu lượt người tham gia.

Mặc dù còn khá non trẻ, nhưng đội quân “eco-kids” đang được kỳ vọng sẽ góp một phần vào nỗ lực thay đổi hình ảnh của Mỹ, nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cao nhất thế giới, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sarah Hodder, chủ nhiệm Ủy ban môi trường trường tiểu học ở Brooklyn thừa nhận nhờ có các “eco-kids” ở nhà, vợ chồng cô đã có nhiều thay đổi trong nếp sinh hoạt, chẳng hạn như không mở máy sưởi quá lớn, tận dụng thức ăn thừa làm phân bón cây, đi bộ đến công sở và không mua quá nhiều thực phẩm. Còn luật sư Rick Alimonti ở thị trấn Armonk (New York) kể, sau lần bị cậu quí tử Lucas 7 tuổi của mình nhắc nhở, ông luôn tắt động cơ ô tô khi đậu chờ rước con trước cổng trường.

QUỐC CHÂU (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết