11/01/2012 - 13:33

Đối đầu Mỹ - Iran ngày càng căng thẳng

Tổng thống Hugo Chavez (trái) đón ông Ahmadinejad ngày 9-1. Ảnh: Reuters

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cử Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời điều một số đặc phái viên tới Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… nhằm thuyết phục, thậm chí gây sức ép các nước này ủng hộ các biện pháp cấm vận dầu mỏ mà Washington áp đặt chống Iran. Động thái ấy của giới cầm quyền Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa họ với Tehran đang dần leo lên mức thang căng thẳng mới.

Hôm qua, Bộ trưởng Geithner đã có một loạt cuộc gặp với giới lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Mục đích chính của ông Geithner trong chuyến đi này là vừa gây áp lực Bắc Kinh nới lỏng thêm tỷ giá đồng nhân dân tệ trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang tìm cách đưa ra dự luật trả đũa thương mại chống Trung Quốc, vừa thuyết phục nước này ngưng mua dầu của Iran. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lần thuyết khách này của ông Geithner không thật sự thích hợp, nhất là khi Mỹ vừa công bố chiến lược quốc phòng mới với trọng tâm là khống chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Trước khi ông Geithner đặt chân xuống Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ thương mại và năng lượng giữa nước này với Iran không có liên quan gì đến vấn đề hạt nhân của Tehran. Số liệu mới nhất cho thấy trong tháng 11-2011, Trung Quốc nhập khẩu 617.000 thùng dầu/ngày của Iran, tăng mạnh so với mức trung bình 560.000 thùng dầu/ngày tính chung cho cả năm 2011.

Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Hàn Quốc ngày 9-1 cũng cho biết nhập khẩu dầu mỏ của nước này từ Iran trong tháng 11 năm ngoái tăng tới 48%, tức khoảng 279.000 thùng dầu/ngày. Mặc dù đã có lệnh cấm vận của Mỹ, Seoul vẫn giữ kế hoạch nhập khẩu 200.000 thùng/ngày từ Iran trong năm nay, so với trung bình 190.000 thùng dầu/ngày năm 2011. Tỷ lệ nhập khẩu dầu của Hàn Quốc từ Iran chiếm 10% , so với 9% của Nhật Bản. Ấn Độ hiện nay mỗi tháng chi trả cho Iran khoảng 1 tỉ USD qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ để nhập khẩu 390.000 thùng dầu/ngày của Iran. Mỹ vì thế đã cử Thứ trưởng Ngoại giao William Burns sang Ankara gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Tehran, điều mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã lên tiếng phản đối, cho rằng phương Tây nên nối lại đàm phán hạt nhân với Iran.

Tại Venezuela, trong lễ tiếp đón Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang có chuyến thăm Caracas, Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Iran để “ngăn chặn sự điên rồ của đế quốc”. Ông khẳng định ngày nay nhân dân hai nước đã đi trên cùng một con đường đấu tranh chống lại “sự tham lam và ngạo mạn của chủ nghĩa đế quốc”.

Động thái ngoại giao nói trên của Washington diễn ra trong lúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 9-1 có báo cáo khẳng định Iran đã bắt đầu làm giàu uranium tại một nhà máy mới tên là Fordo thuộc khu vực miền núi gần thành phố Qom. Báo cáo cho rằng địa điểm làm giàu uranium thứ hai nằm sâu dưới lòng núi này của Iran sẽ nâng mức độ làm giàu chất phóng xạ lên 20%, mức tạo ra nhiên liệu cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân, đồng thời là mức có thể dễ dàng nâng công suất tạo ra nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân. Đại diện của Iran tại IAEA, ông Ali Asghar Soltanieh, cũng đã chính thức xác nhận điều này, nhưng khẳng định toàn bộ nguyên liệu nguyên tử tại đây đều nằm dưới sự giám sát của các thanh sát viên quốc tế. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng việc Iran làm giàu uranium tới mức 20% là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và IAEA. Bà cũng bác bỏ công dân Mỹ Amir Mirzai Hekmati dính líu đến hoạt động gián điệp tại Iran và cho biết Washington đang tìm hiểu xem người này có thật sự bị Tehran tuyên án tử hình.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết