25/12/2007 - 09:00

Đoạn kết của chế độ quân chủ ở Nepal

Ngày 23-12, liên minh cầm quyền gồm 7 đảng của Nepal quyết định sẽ bãi bỏ chế độ quân chủ tồn tại suốt 240 năm qua ở nước này. Đây là một phần trong thỏa thuận nhằm yêu cầu đảng Cộng sản Nepal (CPN) trở lại tham gia chính phủ lâm thời. Thỏa thuận mới nêu rõ Nepal sẽ tuyên bố trở thành nước cộng hòa sau khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4-2008, và thành lập một quốc hội lập hiến mới . Trong trường hợp Quốc vương Gyanendra cản trở việc bầu quốc hội lập hiến, 2/3 thành viên Quốc hội lâm thời có quyền tuyên bố nền cộng hòa ngay lập tức. Trước đó, vào tháng 9 năm nay, CPN rút 4 bộ trưởng khỏi chính phủ để gây áp lực đòi bãi bỏ chế độ quân chủ.

Quốc vương Gyanendra hiện chỉ là “hữu danh
vô thực”. Ảnh: Reuters 

Kể từ sau cái chết của Quốc vương Birendra trong vụ thảm sát xảy ra tại hoàng cung năm 2001 làm 10 thành viên hoàng gia thiệt mạng, uy tín của chế độ quân chủ ở Nepal bị suy giảm nghiêm trọng khi người em trai của ông là Gyanendra lên nắm quyền. Tháng 2-2005, Quốc vương Gyanendra giải tán chính phủ và thâu tóm mọi quyền lực với danh nghĩa là chống lại CPN.

Cuộc xung đột trong 10 năm qua giữa CPN với quân đội hoàng gia làm hơn 13.000 người thiệt mạng. Căng thẳng càng gia tăng sau khi ông Gyanendra lên nắm quyền. Bên cạnh đó, do chán nản vì tình trạng thiếu an ninh, thất nghiệp, hàng nghìn người cũng xuống đường biểu tình yêu cầu Quốc vương Gyanendra từ bỏ quyền lực. Tình trạng căng thẳng kéo dài khiến chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm ngay cả vào ban ngày. Đến tháng 4-2006, trước sức ép của dư luận, Quốc vương Gyanendra chấp nhận từ bỏ quyền lực và khôi phục quốc hội. Tiến trình hòa bình ở Nepal gặt hái được thành công lớn vào tháng 4-2007 khi CPN gia nhập chính phủ lâm thời. Từ đó đến nay, Nepal từng hai lần lên kế hoạch tổ chức bầu cử để quyết định tương lai chính trị của đất nước nhưng đều bị hoãn lại do lực lượng đối lập yêu cầu cải tổ chế độ bầu cử và tuyên bố Nepal là một nước cộng hòa.

Hiện Quốc vương Gyanendra đã bị tước bỏ gần như hoàn toàn các quyền lợi về chính trị cũng như kinh tế. Theo các nhà phân tích, đa số cử tri Nepal ủng hộ việc chuyển từ chế độ quân chủ sang nền cộng hòa.

THANH TRÚC (Theo BBC, ABC, CNN, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết