03/09/2015 - 08:35

Đối tác khác đồng minh

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng quan hệ giữa Mát-xcơ-va với Bắc Kinh đang ở "đỉnh cao lịch sử", bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Phát biểu ấy được ông đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin TASS của Nga và Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 1-9, một ngày trước chuyến thăm Bắc Kinh tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai.

Theo ông chủ Điện Kremlin, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh phương Tây áp đặt chống Nga chẳng những không tác động tiêu cực tới sự hợp tác kinh tế Nga-Trung, mà còn khuyến khích doanh nghiệp Nga phát triển quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Putin cho biết kể từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của Nga. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, song kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt gần 88,4 tỉ USD trong năm 2014.

Có thể nói, Putin rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Mát-xcơ-va - Bắc Kinh đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể từ khi ông lên làm Tổng thống vào năm 2000. Ông Putin đã 13 lần đến thăm Bắc Kinh kể từ thời điểm đó và ca ngợi Trung Quốc đạt được "sự phát triển mạnh về kinh tế cũng như những mục tiêu mới trong việc xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển xã hội". Theo nhà lãnh đạo Nga, những yếu tố góp phần cho quan hệ Nga-Trung đạt được tầm cao mới này là "sự tôn trọng sâu sắc" và "xem xét lợi ích quan trọng của lẫn nhau".

Trên thực tế, cả Nga và Trung Quốc đều chia sẻ mong muốn hạn chế sức mạnh của Mỹ; hai nước đang tăng cường buôn bán với nhau, trong đó một bên bán năng lượng và một bên bán hàng tiêu dùng giá rẻ; hai nước có chung mối quan tâm về việc đẩy mạnh mô hình ngoại giao không bị thống trị bởi phương Tây. Thương mại đã tăng gấp 6 lần trong suốt một thập niên qua. Năm ngoái, họ đã hợp tác ký kết những hợp đồng mua khí đốt lớn nhất trong lịch sử. Hai nước thường có cùng quan điểm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi họ có quyền phủ quyết.

Ngoài việc ủng hộ một thế giới đa cực, hai nước còn âm thầm ủng hộ các nỗ lực của nhau nhằm củng cố ảnh hưởng ở các khu vực lân cận. Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Mát-xcơ-va, từng nhận xét: "Trung Quốc thừa nhận thực tế là Nga có lợi ích ở Đông Âu, trong khi Nga thừa nhận Trung Quốc có lợi ích ở các vùng xung quanh biên giới. Mặc dù đôi bên không chủ động giúp đối tác của mình trong các vấn đề như Ukraine hay Biển Đông, nhưng cả hai sẽ quan sát lẫn nhau và giữ quan điểm trung lập. Họ sẽ không chỉ trích lẫn nhau trong các vấn đề mà mỗi bên cho là quan trọng".

Trong bài xã luận gần đây, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã viết: "Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc và Nga là kết quả của cục diện thế giới mới, nhưng sẽ hoàn toàn khác so với liên minh quân sự kiểu như giữa Mỹ và Nhật Bản". Tờ báo này nêu rõ: "Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ trở thành đối tác chứ không phải đồng minh. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc cũng quan tâm đến các mối quan hệ với phương Tây. Đồng thời, Nga không muốn nhìn thấy mối quan hệ của mình với phương Tây đi vào ngõ cụt".

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết