30/07/2014 - 14:07

Điều tra tham nhũng Trung Quốc lan tới Canada

* Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra tham nhũng

Ông Chu Vĩnh Khang trong cuộc họp của CPC hồi tháng 3-2012. Ảnh: AP

Chiến dịch chống tham nhũng, được đẩy mạnh từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012 và khiến hàng loạt quan chức Trung Quốc "ngã ngựa", hiện đã lan đến châu Mỹ. Mục tiêu lần này là hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) tại Canada mà kéo theo đó là dự án cát dầu trị giá hàng tỉ USD cũng bị đình trệ.

Hiện tại, các nhà điều tra Trung Quốc đang tập trung vào CNPC với ít nhất 6 nhân vật cấp cao trong ban lãnh đạo bị bắt giữ. Hoạt động này theo sau chiến dịch loại bỏ vây cánh của nguyên Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, đồng thời là cựu Chủ tịch CNPC Chu Vĩnh Khang. Được biết, nhiều đối tượng trong số những người bị bắt là thuộc cấp hoặc đồng minh chính trị của ông Chu. Các hoạt động của CNPC ở nước ngoài cũng không nằm ngoài phạm vi điều tra.

Theo các nguồn tin thân cận, người đứng đầu chi nhánh CNPC ở Canada hồi tháng trước đã được gọi về Bắc Kinh và kể từ đó không thấy xuất hiện. Sau đó, đến lượt đại diện hàng đầu của CNPC ở đây cũng bị thay thế. Theo thông tin của Nhật báo Phố Wall, một quan chức được điều từ Bắc Kinh sang đang nắm giữ cả hai vị trí này.

Theo WSJ, 2 quản lý người Trung Quốc buộc phải thôi việc thời gian gần đây là ông Li Zhiming (ảnh) - lãnh đạo Tập đoàn Brion Energy (công ty con của PetroChina trực thuộc CNPC) và bà Margaret Jia từng làm việc gần 10 năm cho CNPC tại Canada với vai trò trưởng đại diện. Cả 2 đều là thành viên hội đồng quản trị các tổ chức thương mại ở tỉnh giàu năng lượng Alberta với quyền hạn có thể gặp mặt các nhà lập pháp cấp cao Canada mà chỉ cần báo trước trong một thời gian ngắn. Được biết, CNPC còn loại bỏ vị trí của ông Li trong hội đồng quản trị Trung tâm Dầu khí CNPC-Alberta (CAPC).

Theo WSJ, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu quản lý mới của Trung Quốc vẫn tuân thủ các điều khoản trong các hợp đồng mà người tiền nhiệm đã ký kết cũng như mối quan tâm của Bắc Kinh trong lĩnh vực năng lượng của Canada có thể mất đi tầm quan trọng hay không. Mới đây, Brion Energy đã thương lượng mua 40% cổ phần trong một dự án cát dầu tại Canada với giá 1,23 tỉ USD.

Trong những năm qua, Canada đã nhìn thấy ở Trung Quốc một thị trường xuất khẩu mới và nhà đầu tư lớn, trong khi Bắc Kinh nhìn nhận đối tác là nhà cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy và ổn định. Theo thống kê của công ty phân tích dữ liệu tài chính Dealogic, các công ty Trung Quốc hồi năm ngoái đã mua 307 triệu USD giá trị tài sản dầu khí của Canada, cao hơn nhiều so với 22,1 triệu USD năm trước đó. Nhưng gần đây, mối quan tâm dường như đã nguội dần trong quan hệ hai bên. Trong đó, Ottawa đã hạn chế việc đầu tư của các công ty do chính phủ nước ngoài kiểm soát, còn Bắc Kinh thì tỏ ra ngần ngại về chi phí phải bỏ ra và hiệu suất từ những thương vụ thu mua ở nước ngoài của các công ty quốc doanh.

Trong khi đó Tân Hoa Xã ngày 29-7 đưa tin, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, nguyên Bộ trưởng Công an, vì bị nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Cuộc điều tra sẽ do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương CPC tiến hành.Quyết định này được đưa ra phù hợp với Điều lệ của CPC và quy định điều tra của cơ quan kiểm tra kỷ luật CPC.

Thông báo không nói rõ chi tiết của vụ điều tra, nhưng điều này đã chấm dứt nhiều tháng bàn tán trong dư luận quốc tế về Chu Vĩnh Khang sau khi hàng loạt quan chức cấp cao, doanh nghiệp, người thân của ông bị sa thải và bị điều tra tham nhũng. Hồi tháng 12 năm ngoái, hãng tin Reuters cho biết ông Chu bị giam lỏng tại gia sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu lực lượng an ninh điều tra đặc biệt tiến hành xác minh cáo buộc tham nhũng nhằm vào nhân vật đầy quyền thế một thời này.

Tháng 3-2014, Reuters cũng đưa tin chính quyền Trung Quốc đã tịch thu khối tài sản ít nhất 90 tỉ nhân dân tệ (14,56 tỉ USD) của các thành viên gia đình và thân tín của ông Chu. Có tổng cộng hơn 300 người thân, đồng minh chính trị, nhân viên dưới trướng của ông Chu đã xộ khám hoặc bị thẩm vấn.

Với vị thế Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, ông Chu được coi là "ngôi sao an ninh" đầy quyền thế trước khi về hưu năm 2012, thời điểm CPC chuyển giao thế hệ lãnh đạo qua Đại hội toàn quốc lần thứ 18 hồi tháng 11 cùng năm. Trong vai trò này, ông Chu giám sát Bộ Công an, cơ quan tình báo dân sự, lực lượng bán vũ trang, viện kiểm sát và ngành tòa án. Nếu ông Chu bị kết tội, đây sẽ là vụ xì-căng-đan tham nhũng cấp cao nhất tại Trung Quốc kể từ năm 1949. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết thực thi chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" nhằm làm trong sạch bộ máy CPC.

MAI QUYÊN - ĐỨC TRUNG
(Theo WSJ, Reuters, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết