21/12/2010 - 08:49

Đến lượt Nga củng cố quan hệ với Ấn Độ

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) tiếp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.
Ảnh: The Hindu

Hôm qua 20-12, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã bắt đầu chuyến thăm chính thức 3 ngày tới Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và thảo luận nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Theo Thời báo Ấn Độ (Times of India), sau các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo, hai bên ký ít nhất 15 thỏa thuận, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau từ quốc phòng, năng lượng hạt nhân, không gian, khoa học công nghệ, cho tới cải cách hệ thống bầu cử...

Tháp tùng Tổng thống Medvedev là phái đoàn hùng hậu các doanh nghiệp hàng đầu của Nga như MiG, Rosatom, Rosoboronexport... Thỏa thuận quan trọng nhất mà ông Medvedev tìm kiếm trong chuyến đi này là cung cấp cho Ấn Độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK FA, với hợp đồng có thể trị giá tới 30 tỉ USD, khi Ấn Độ định triển khai tới 300 chiếc cho không lực nước này. Nga đã thử thành công chiếc Sukhoi T-50 hồi tháng Giêng, được xem là “đối thủ” của F-22 Raptor của hãng Lockheed Martin (Mỹ). Trước mắt trong chuyến đi này, Tổng thống Medvedev sẽ vận động New Delhi mua 126 chiếc chiếc MiG-35 của Nga theo hợp đồng có tổng giá trị 11 tỉ USD.

Mối quan hệ giữa Mát-xcơ-va và New Delhi phát triển tốt đẹp trong vài năm qua, khi Ấn Độ trở thành một trong những nước nhập khẩu lớn nhất trang thiết bị quân sự của Nga. Năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước đạt 7,5 tỉ USD, và dự kiến đạt 10 tỉ USD năm 2010. Hai nước đặt mục tiêu thương mại song phương lên tới 20 tỉ USD vào năm 2015. Những dự án chung quy mô lớn giữa Nga và Ấn Độ hiện nay có thể kể tới là công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở Nam Ấn Độ và khai thác mỏ dầu khí Sakhalin 1 ở Nga (với sự tham gia hợp tác của tập đoàn dầu khí quốc doanh Ấn Độ ONGC).

Thập niên qua, Ấn Độ đã tăng gấp ba ngân sách quốc phòng và luôn là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga. Hồi tháng 3, Nga đã ký các thỏa thuận trị giá hơn 10 tỉ USD với Ấn Độ, trong đó có chuyển giao tàu sân bay thứ hai cho Ấn Độ vào năm 2012 và 29 chiến đấu cơ MiG-29. Hai bên cũng thống nhất “lộ trình” về năng lượng hạt nhân, vốn có thể giúp các công ty Nga đảm bảo vai trò trong việc xây dựng 16 lò phản ứng hạt nhân cho Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay hãng Rosatom của Nga đang phải cạnh tranh gay gắt với các hãng Areva và Alstom của Pháp hay Westinghouse của Mỹ, khi Ấn Độ dự định tăng công suất điện nguyên tử từ khoảng 4.500 MW hiện nay lên 63.000 MW vào năm 2032, với chi phí có thể lên tới 100 tỉ USD. Konstantin Makiyenko, Phó giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Mát-xcơ-va, cho rằng Nga luôn có vai trò lớn ở Ấn Độ, nhưng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi New Delhi đa dạng hóa nguồn cung nhằm có lợi thế về mặt giá cả và đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Về phía Ấn Độ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Vishnu Prakash cho biết nhiều công ty Ấn Độ cũng sẵn sàng tham gia chương trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước của Nga giai đoạn 2011 - 2013. Đầu tháng này, Nga đã thông qua kế hoạch tư nhân hóa các công ty quốc doanh, trong đó có 10 doanh nghiệp hàng đầu với tài sản có thể bổ sung 32 tỉ USD vào ngân sách quốc gia. Các công ty hàng đầu nằm trong danh sách tư nhân hóa có thể kể như hãng dầu Rosneft, nhà máy thủy điện RusHydro...

Tuy nhiên, cái lợi lớn hơn mà Ấn Độ có được là sự ủng hộ của Nga cho chiến dịch tranh thủ chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Medvedev thăm Ấn Độ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tới New Delhi, cũng với mục đích tăng cường quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế. Và cũng như các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp và Trung Quốc, Tổng thống Medvedev tuyên bố ủng hộ Ấn Độ vào ghế thường trực HĐBA.

N. MINH
(Theo RIA Novosti, Reuters, AFP)

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái) tiếp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: The Hindu

Chia sẻ bài viết