27/12/2011 - 08:56

Đầu xuôi, đuôi có lọt ?

Trong tương lai gần, NDT chưa đủ sức thách thức vị thế của USD.

Có lẽ chưa bao giờ đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc “có giá” như hiện nay. Chỉ trong tuần rồi, đồng tiền này đã nhận được tới 3 “cú hích”.

Đó là việc Trung Quốc và Thái Lan ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ nhân chuyến thăm xứ Chùa Vàng của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, Bắc Kinh sẽ cho Bangkok vay 70 tỉ NDT để phục vụ nhu cầu giao dịch và thanh toán trực tiếp bằng NDT hoặc đồng baht giữa các cá nhân và tổ chức ở hai nước mà không phải quy đổi ra USD. Còn trong chuyến thăm Pakistan của Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, Bắc Kinh đã quyết định cho Islamabad vay 10 tỉ NDT theo thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương. Chưa hết, tại cuộc gặp với các quan chức Bắc Kinh ngày 25-12, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thông báo Tokyo sẽ chi 10 tỉ USD mua trái phiếu NDT của chính phủ Trung Quốc. Thừa thắng xông lên, Trung Quốc còn đề nghị Nhật Bản sử dụng đồng tiền của nhau trong buôn bán giữa hai nước để tránh rủi ro về biến động tỷ giá cũng như làm giảm chi phí giao dịch. Họ cũng muốn các công ty Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc bằng NDT và phát hành trái phiếu NDT trên thị trường quốc tế.

Trước khi ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các nước kể trên, Trung Quốc đã có các hiệp định tương tự với Argentina, Belarus, Iceland, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nga, Uzbekistan... và Đặc khu hành chính Hồng Công.

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang hoành hành ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ cũng oằn mình với khoản nợ liên bang khổng lồ, Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội hiện thực hóa tham vọng đưa NDT trở thành đồng tiền quốc tế, tự do chuyển đổi vào năm 2015. Thực tế là họ bước đầu đã gặt hái được một số thành tựu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul mới đây cho biết NDT đã trở thành đồng tiền dự trữ của nước này với tỷ lệ khoảng 1%. Trước đó, hồi tháng 9-2011, Nigeria cũng bắt đầu đặt NDT bên cạnh USD, euro và bảng Anh trong dự trữ ngoại hối của mình.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, NDT còn phải vượt qua một chặng đường dài mới có thể “ngồi cùng chiếu” với các ngoại tệ mạnh khác chứ chưa nói đến chuyện soán ngôi. Tính tới giữa năm 2011, đô-la Mỹ chiếm tới 60,2% dự trữ ngoại hối toàn cầu, kế đến là euro (26,7%), bảng Anh (4,2%), yen Nhật (3,9%), Franc Thụy Sĩ (0,1%) và các đồng tiền khác (4,9%).

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết