02/11/2011 - 14:18

Đặt cược chính trị

Các biện pháp cứu trợ mới mà Khu vực đồng euro (Eurozone) đã cam kết
dành cho Hy Lạp hồi tuần qua những tưởng có thể giúp Athens sớm ổn định tình hình và chuẩn bị vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công chưa từng có trong lịch sử nước này. Thế nhưng, bất ngờ đã xảy ra khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về gói cứu trợ mới này, đồng thời yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại quốc hội nhằm giành được sự ủng hộ đối với chính sách của chính phủ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 4 năm (tới năm 2013).

Giải thích cho thông báo bất ngờ trên, nhà lãnh đạo đảng Xã hội nêu rõ: “Nhân dân là cội nguồn của sức mạnh. Chính họ là người quyết định cái thỏa thuận đó, chứ không phải ai khác. Tôi đặt lòng tin vào nhân dân và tiến trình tham gia dân chủ của họ”. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh mà đất nước này nói riêng và thế giới phát triển nói chung người nghèo chiếm phần lớn dân số bị tác động nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính, niềm tin của ông Papandreou bị coi là quá mạo hiểm, bởi cái nói “không” của dân Hy Lạp là cơn ác mộng của cả Eurozone. Raoul Ruparel, nhà nghiên cứu kinh tế cao cấp của châu Âu, cảnh báo Hy Lạp có thể rơi vào tình thế không ngân quỹ, không chính phủ và thậm chí ra khỏi Eurozone.

Trước đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 30-10 cho thấy gần 60% số người Hy Lạp đánh giá thỏa thuận của EU dành gói cứu trợ tài chính mới trị giá 130 tỉ euro cho nước này là “tiêu cực”.Nếu người dân Hy Lạp không chấp nhận thì Eurozone lại phải nhóm họp và mất thêm thời gian để đạt được sự đồng thuận mới. Các đảng đối lập cũng không đồng tình với giải pháp mà họ cho là đầy rủi ro này, thay vào đó họ gia tăng sức ép đòi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuy nhiên, cũng theo chính cuộc thăm dò dư luận nói trên, đa số người dân Hy Lạp phản đối việc tiến hành bầu cử sớm.

Điều đó cho thấy Thủ tướng Papandreou và chính phủ của ông đã chịu một sức ép khủng khiếp như thế nào, giữa một bên là sự bất hợp tác của các đảng phái đối lập lâu nay chực chờ hạ bệ ông với một bên là làn sóng biểu tình của dân chúng phản kháng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” do chính phủ của ông đưa ra nhằm đổi lấy các gói cứu trợ quốc tế. Vì thế cũng có thể hiểu việc ông đưa ra động thái bất ngờ nói trên là nhằm giải tỏa sức ép, đá “quả bóng trách nhiệm” về phần sân các đảng đối lập, bởi ông thừa biết đề xuất trưng cầu dân ý của ông khó có thể qua được “ải” Quốc hội nếu không có thêm sự ủng hộ của phe đối lập.

Hiến pháp Hy Lạp quy định để thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân cần phải có sự ủng hộ của 180 trong tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội, trong khi đảng Xã hội cầm quyền chỉ có 153 ghế trong cơ quan lập pháp. Vậy xem ra mục tiêu chính trong cái mà hãng tin Anh Reuters gọi là “canh bạc mạo hiểm” lần này của ông Papandreou là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ tại Quốc hội dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 4-11 tới, bởi suy cho cùng điều ông Papandreou cần chính là sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị nhằm giúp Hy Lạp vượt qua khủng hoảng hiện nay.

ĐỨC TRUNG (Theo Guardian, AP, ft)

Chia sẻ bài viết