Cảnh sát Anh hôm 11-4 đã bắt giữ nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange tại đại sứ quán Ecuador ở thủ đô Luân Đôn, chỉ ít lâu sau khi chính quyền Tổng thống Ecuador Lenin Moreno rút quy chế cho phép tị nạn đối với ông chủ WikiLeaks. Quyết định của Quito nhằm cho phép cảnh sát xứ sương mù bắt ông Assange được đưa ra sau khi quan hệ giữa ông và Chính phủ Ecuador một thời gian dài lạnh nhạt.

Nhà sáng lập WikiLeaks Assange trước và sau gần 7 năm sống tị nạn. Ảnh: AP và Getty Images
Trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 11-4, Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia đã nêu ra hàng loạt lý do vì sao Ecuador đưa ra quyết định trên, trong đó gồm việc ông Assange có “vô số hành động can thiệp vào nền chính trị của các quốc gia khác”, khiến cho mối quan hệ giữa Ecuador với các nước này có nguy cơ rạn nứt.
Việc Ecuador quay lưng với ông Assange một phần là vì thái độ của ông này. Chẳng hạn, ông Assange chơi ván trượt và đá bóng bên trong tòa đại sứ quán, không tôn trọng nhân viên đại sứ quán và thậm chí ra tay đánh đập nhân viên an ninh. Ngoài ra, ông Assange và luật sư của mình còn đưa ra những lời đe dọa đối với Ecuador, tố nhân viên đại sứ quán giúp Mỹ theo dõi và quay hình ông.
Ngoại trưởng Valencia nhấn mạnh Ecuador không thể gia hạn tị nạn đối với một người chạy trốn công lý như Assange. Theo ông, lý do sau cùng khiến Ecuador không thể “đùm bọc” Assange nữa đó là có rất nhiều mâu thuẫn trong cách ông ta được cấp quyền công dân Ecuador, trong khi chi phí lưu trú dành cho ông tại đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn rất tốn kém. Các tài liệu cho thấy Ecuador đã chi hơn 5,8 triệu USD cho các hoạt động do thám nhằm bảo vệ ông Assange tại đây trong giai đoạn 2012-2018 và gần 400.000 USD chi phí chăm sóc sức khỏe, thức ăn và giặt ủi. Ngoại trưởng Valencia tiết lộ, ông Assange đã sử dụng điện thoại di động không được đăng ký với đại sứ quán và buông lời cảnh báo đối với các nhân viên ở đây rằng ông đã cài đặt các thiết bị báo động mà ông sẽ kích hoạt nếu thấy nguy hiểm đến tính mạng.
Bộ trưởng Nội vụ Ecuador María Paula Romo nói rằng hành vi của ông Assange là không thể chấp nhận được. Trong khi đó, Tổng thống Moreno mô tả ông Assange là “tin tặc”, “một vấn đề di truyền”. Trong bài phát biểu hôm 11-4, Tổng thống Moreno tuyên bố: “Khi anh được cung cấp nơi trú ẩn, được chăm sóc và được cung cấp thức ăn, anh không được tố cáo chủ nhà. Chúng tôi đã kết thúc cuộc tị nạn của con người phế phẩm này”.
Tổng thống Moreno tố ông Assange vi phạm nghiêm trọng các điều khoản tị nạn của Ecuador và can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước khác, đồng thời cáo buộc ông này đã cài đặt các thiết bị điện tử bị cấm trong đại sứ quán cũng như truy cập bất hợp pháp vào các tập tin bảo mật của đại sứ quán. Ông Moreno còn tố WikiLeaks chống lưng cho một trang web ẩn danh nói anh trai của mình lập ra nhiều công ty ở nước ngoài mà gia đình ông dùng để “hưởng lạc” ở châu Âu.
Đỉnh điểm mối quan hệ căng thẳng giữa Ecuador và ông Assange xuất hiện cách đây vài ngày khi WikiLeaks trực tiếp đe dọa Chính phủ Ecuador.
Trên thực tế, số phận của ông Assange đã được quyết định từ năm 2017 khi ông Moreno giành chiến thắng sít sao trước người tiền nhiệm cánh tả Rafael Correa trong cuộc bầu cử tổng thống Ecuador. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Moreno luôn xem ông Assange như là một “cái gai” cản trở mối quan hệ giữa ông với Mỹ.
Tòa án Westminster ở thủ đô Luân Đôn ngày 11-4 đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012. Ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Tòa cũng tuyên bố sẽ xét xử riêng về yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ trong một phiên khác diễn ra vào ngày 2-5 tới.
TRÍ VĂN (Theo AP, AFP, Reuters)